Dự luật được thông qua ngày 11/4 sau nhiều tháng tranh luận với tổng cộng 4.296 lần sửa đổi, nhận được sự ủng hộ của 283 nghị sĩ trên tổng số 450 thành viên quốc hội. Dự luật bao gồm loạt biện pháp nhằm tăng cường năng lực chiến đấu cho quân đội Ukraine, chủ yếu bằng cách khiến việc trốn nhập ngũ trở nên khó khăn hơn.
Một trong số đó là áp dụng hình thức gọi nhập ngũ trực tuyến. Sau khi dự luật có hiệu lực, công dân Ukraine thuộc diện nhập ngũ sẽ có 60 ngày để đăng ký nghĩa vụ trực tiếp hoặc thông qua hệ thống điện tử. Những người không đăng ký sẽ bị coi là trốn nhập ngũ. Nam giới Ukraine cũng bắt buộc phải mang theo giấy tờ đăng ký nghĩa vụ khi ra đường.
Dự luật ban đầu có kế hoạch cho phép các binh sĩ phục vụ từ 36 tháng trở lên được về nhà nghỉ ngơi trước khi quay lại tiền tuyến, song điều khoản này đã bị loại bỏ ở phiên bản cuối, sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Rustem Umerov và tổng tư lệnh quân đội Oleksandr Syrsky can thiệp, theo giới lập pháp Ukraine.
Dự luật không đặt giới hạn về thời gian binh sĩ phục vụ trong quân ngũ, nhưng quy định mức lương cao hơn và thời gian nghỉ phép dài hơn với họ. Dự luật cũng yêu cầu chính phủ Ukraine phải đệ trình kế hoạch mới để cải thiện "việc luân chuyển quân trong tình trạng thiết quân luật".
Hiện chưa rõ khi nào Tổng thống Volodymyr Zelensky sẽ ký duyệt dự luật này.
Hàng chục người vợ và thân nhân của binh sĩ Ukraine ngày 11/4 đã tụ tập bên ngoài trụ sở quốc hội để phản đối, yêu cầu phải đặt ra thời hạn phục vụ tối đa, để chồng con họ có cơ hội xuất ngũ.
Các quân nhân Ukraine "không biết khi nào mình mới có thể quay về với gia đình. Những người bảo vệ đất nước và gánh vác nền độc lập quốc gia đã bị lừa dối", Anastasia Bulba, người có chồng đang chiến đấu ở tiền tuyến, nói.
"Chúng ta đều hiểu rằng việc huy động quân đã thất bại khi binh sĩ không được phép xuất ngũ. Đây là lỗi của giới chức Ukraine chứ không phải của chồng tôi", chị nói thêm.
Một số quân nhân Ukraine cũng tỏ ra giận dữ trước động thái của quốc hội.
"Điều này làm chúng tôi mất tinh thần chiến đấu", Artem, binh sĩ đang phục vụ tại một đơn vị pháo binh Ukraine, cho hay. "Cần phải có dự luật quy định rõ ràng rằng chúng tôi sẽ tại ngũ trong một, hai hay ba năm, nếu không thì mọi người sẽ mất động lực vì không ai biết mình sẽ phải chiến đấu ở đâu, khi nào và trong bao lâu".
Một vài người khác thì có thái độ cam chịu hơn.
"Trì hoãn xem xét ấn định thời điểm xuất ngũ là điều bất công, song thế giới này nói chung cũng có công bằng đâu", một thành viên giấu tên của Lữ đoàn Cơ giới Độc lập số 47 Ukraine nói."Chúng tôi chỉ có thể được cho về nhà nếu các tân binh đã được huấn luyện bài bản".
Quốc hội Ukraine hồi tháng 5/2023 thông qua kế hoạch hạ độ tuổi nhập ngũ của Ukraine từ 27 xuống 25, song tới tuần trước ông Zelensky mới ký phê chuẩn nó thành luật.
Sau khi xung đột bùng phát cuối tháng 2/2022, hàng chục nghìn người Ukraine đã tình nguyện nhập ngũ để bảo vệ quê hương. Tuy nhiên, hiện hầu hết công dân Ukraine tình nguyện chiến đấu đều đã ra tiền tuyến, phần lớn những người còn ở lại đang tìm mọi cách để không phải cầm súng, đặc biệt là trong bối cảnh chiến sự đã bước sang năm thứ ba mà không có dấu hiệu kết thúc.
Trong khi đó, quân đội Ukraine đang đối mặt với nhiều thách thức trên tiền tuyến và rất cần bổ sung nhân lực. Tổng thống Zelensky cuối năm ngoái tiết lộ quân đội nước này đã đề xuất huy động thêm 450.000-500.000 quân để có thể bám trụ trong cuộc xung đột.
Phạm Giang (Theo CNN, Reuters, AFP)