Trong cuộc phỏng vấn ngày 29/2, Bộ trưởng Quốc phòng Phần Lan Antti Hakkanen cho hay Ukraine hoàn toàn có thể sử dụng vũ khí do nước này cung cấp để tập kích các mục tiêu trên lãnh thổ Nga, điều mà Tổng thống Vladimir Putin từng coi là "lằn ranh đỏ".
Theo ông Hakkanen, một số nước chuyển giao vũ khí tầm xa cho Ukraine đã áp đặt hạn chế để ngăn Kiev dùng chúng tấn công lãnh thổ Nga, nhưng Helsinki không làm như vậy và không đưa ra điều kiện kèm theo nào khi viện trợ quân sự cho Ukraine.
"Tất nhiên, các quốc gia lớn đã cung cấp tên lửa tầm xa cho Ukraine có quyền yêu cầu Kiev phải sử dụng chúng như thế nào", Bộ trưởng Hakkanen cho hay.
Phần Lan, quốc gia mới gia nhập NATO năm ngoái, đã công bố tổng cộng 22 gói viện trợ quân sự cho Ukraine từ đầu xung đột, gần nhất là khoản viện trợ trị giá 205 triệu USD hồi tháng 2. Tuy nhiên, nước này không tiết lộ thông tin chi tiết về thành phần vũ khí trong các gói viện trợ với lý do an ninh.
Nghị sĩ Phần Lan Jukka Kopra ngày 29/2 cũng nói rằng Ukraine nên sử dụng khí tài do Helsinki cung cấp để tập kích các mục tiêu quân sự trên lãnh thổ Nga, trong trường hợp Kiev thấy cần thiết.
"Nếu họ không làm thế, các mục tiêu quân sự đó sẽ tấn công Ukraine", ông Kopra cho hay. "Ukraine đang tiến hành cuộc chiến phòng vệ hoàn toàn hợp pháp. Hiến chương của Liên Hợp Quốc cho phép tấn công các mục tiêu quân sự xuyên biên giới đất liền".
Bình luận được giới chức Phần Lan đưa ra hơn một tuần sau khi Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg khẳng định Ukraine có quyền tấn công mục tiêu quân sự Nga bên ngoài lãnh thổ, kể cả bằng các loại vũ khí do phương Tây cung cấp. Đây là lần đầu tiên ông Stoltenberg công khai ủng hộ Ukraine tấn công lãnh thổ Nga bằng khí tài phương Tây.
Điều này có thể vượt qua "lằn ranh đỏ" mà Tổng thống Putin vạch ra. Ông nhiều lần cảnh báo Ukraine không được sử dụng khí tài do Mỹ và đồng minh chuyển giao để tấn công lãnh thổ Nga, cho rằng điều này có thể khiến xung đột leo thang.
Trong Thông điệp Liên bang ngày 29/2, Tổng thống Putin cáo buộc phương Tây đang tìm cách làm suy yếu Nga, đồng thời cảnh báo hậu quả của việc can thiệp vào nước này sẽ thảm khốc hơn so với những giai đoạn trước và có thể dẫn đến chiến tranh hạt nhân.
Mỹ và các thành viên NATO từng trì hoãn chuyển giao nhiều loại vũ khí tầm xa cho Ukraine, vì sợ rằng Kiev có thể sử dụng chúng để tấn công mục tiêu bên ngoài lãnh thổ khiến chiến sự vượt tầm kiểm soát.
Tuy nhiên, quan điểm này dần thay đổi khi chiến sự tiếp tục kéo dài. Pháp, Anh năm ngoái đã cung cấp cho Ukraine tên lửa Storm Shadow/SCALP-EG có tầm bắn 250-560 km, trong khi Washington cũng chuyển giao cho Kiev phiên bản ATACMS tầm bắn 165 km.
Mỹ sắp tới dự kiến chuyển giao cho Ukraine thêm một mẫu tên lửa có tầm bắn 300-500 km để trang bị cho tiêm kích F-16 mà nước này chuẩn bị nhận, có thể là dòng AGM-158A JASSM.
Phạm Giang (Theo Kyiv Independent, Newsweek)