Sau những tin tức đầu tiên về cuộc tấn công của Hamas vào lãnh thổ Israel ngày 7/10, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói rằng người Ukraine "thật sự thấu hiểu những gì đang xảy ra" với người dân Israel, đồng thời khẳng định Tel Aviv có quyền tự vệ trước các cuộc tấn công của Hamas.
Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba cũng "mạnh mẽ lên án những cuộc tấn công chống lại Israel, trong đó có các cuộc tập kích rocket vào dân thường ở Jerusalem và Tel Aviv".
"Chúng tôi bày tỏ ủng hộ đối với quyền tự vệ và bảo vệ người dân của Israel", ông Kuleba nói.
Văn phòng Tổng thống Ukraine thậm chí gửi yêu cầu tới Israel, cho biết ông Zelensky mong muốn đến thăm Tel Aviv giữa thời chiến để bày tỏ tình đoàn kết. Tuy nhiên, Israel cho rằng đây "chưa phải lúc thích hợp" cho chuyến thăm như vậy.
10 ngày sau, ông Zelensky kêu các bên bảo vệ dân thường và giảm leo thang, khi Israel tăng cường các cuộc không kích trả đũa Hamas ở Dải Gaza. Tuy nhiên, lãnh đạo Ukraine không chỉ trích các cuộc tấn công của Israel, dù hàng nghìn dân thường Palestine và ít nhất 21 công dân Ukraine ở Gaza đã thiệt mạng trong các đợt không kích.
Sự ủng hộ mạnh mẽ và nhanh chóng của Tổng thống Zelensky đối với Israel đã giúp Ukraine trở thành tâm điểm chú ý của quốc tế và củng cố vị thế của nước này trong dư luận phương Tây.
Lập trường quyết liệt của ông Zelensky được thể hiện công khai trong bối cảnh Nga đang có quan hệ ngày càng thân thiết với Iran, quốc gia hậu thuẫn chính của Hamas, đồng thời là kình địch của Israel ở Trung Đông. Tehran cũng được cho là bên cung cấp máy bay không người lái (UAV) và một số vũ khí cho Moskva trong xung đột ở Ukraine.
Nhưng khi chiến dịch tấn công của Israel bước sang tuần thứ tư và thương vong ở Gaza ngày càng tăng, xung đột đang đặt ra bài toán ngoại giao khó khăn đối với Ukraine kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch ở nước này vào cuối tháng 2/2022.
Thổ Nhĩ Kỳ, Arab Saudi và Qatar, những quốc gia Arab đã cung cấp một số nguồn hỗ trợ quan trọng cho Ukraine, đã thể hiện lập trường cứng rắn với Israel trong xung đột ở Gaza. Họ chỉ trích Israel không kích vào các khu dân cư và mục tiêu dân sự, khiến nhiều dân thường thiệt mạng.
Khối Arab cũng cáo buộc phương Tây tiêu chuẩn kép trong xung đột ở Gaza, khi họ lên án mạnh mẽ các cuộc tấn công gây thương vong lớn với dân thường ở Ukraine, nhưng lại không chỉ trích hành động tương tự của Israel.
Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar, hai nước đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực đàm phán giữa Nga và Ukraine về những vấn đề như trao đổi tù binh và xuất khẩu ngũ cốc, đã ra tuyên bố chung cáo buộc phương Tây "đạo đức giả".
"Không được phép lên án việc sát hại dân thường trong bối cảnh này nhưng lại làm vậy trong một tình huống khác", Ngoại trưởng Qatar Mohammed bin Abdulrahman al-Thani nói. Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan thêm rằng phương Tây đã tạo ra "tiêu chuẩn kép nghiêm trọng" khi không lên án các vụ sát hại dân thường ở Dải Gaza.
Trong một cuộc phỏng vấn với CNN, Hoàng hậu Rania của Jordan cũng chỉ trích gay gắt rằng "chúng ta có được nói rằng giết hại một gia đình bằng súng là sai nhưng pháo kích họ là được phép hay không?".
Giới chuyên gia cho rằng với việc công khai ủng hộ Israel từ đầu, Ukraine đã tự đặt mình vào thế đối lập với các nước Arab ở Trung Đông. Lợi ích mà Kiev thu được từ hành động này không lớn, bởi Israel tới nay chưa viện trợ cho Ukraine bất cứ loại vũ khí nào và Thủ tướng Benjamin Netanyahu là người có quan hệ khá tốt với Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Lập trường ủng hộ Israel của ông Zelensky "không có nghĩa lý gì", theo Randa Slim, chuyên gia về kiến tạo hòa bình tại Viện Trung Đông. Chuyên gia này thêm rằng những quốc gia Arab và Hồi giáo nhận thấy nhiều điểm tương đồng giữa Israel với Nga hơn là với Ukraine.
"Đây là khu vực Arab. Họ không bao giờ chấp nhận việc Tổng thống Mỹ Joe Biden so sánh Nga với lực lượng Hamas. Họ đang so sánh Nga và Israel nhiều hơn, khi nói tới thương vong dân thường trong các cuộc tấn công", bà nói.
Chuyên gia này thêm rằng ông Zelensky có thể giành thêm nhiều bạn bè hơn từ thế giới Arab nếu lên tiếng phản đối những cuộc tấn công nhắm vào dân thường ở Gaza. "Tuy nhiên, tôi không thấy Ukraine sẵn sàng hay sẵn lòng làm điều đó", bà nói.
Đối với các quốc gia Arab, xung đột Ukraine "chưa bao giờ là điều quan trọng", theo Kristian Ulrichsen, chuyên gia về quan hệ Ukraine - Arab tại Đại học Rice ở Texas, Mỹ. "Đó là cuộc xung đột không liên quan tới họ", ông nói.
Ukraine gần đây tổ chức vòng đàm phán thứ ba tại Malta nhằm thúc đẩy ủng hộ toàn cầu cho "kế hoạch hòa bình", trong đó yêu cầu Nga rút quân khỏi Ukraine và khôi phục chủ quyền lãnh thổ cho Kiev.
Tổng thống Zelensky cho biết 66 nước đã cử đại diện tham gia, nhưng thông cáo về nội dung cuộc điện đàm giữa ông Zelensky và Thái tử Mohammed bin Salman được Arab Saudi công bố sau đó, hội nghị ở Malta và những hỗ trợ của Riyadh cho Kiev không được đề cập.
Một quan chức Liên minh châu Âu giấu tên cho biết Ai Cập và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), hai quốc gia quan trọng ở Trung Đông, cũng không tham dự sự kiện này.
Dù cử phái đoàn tới Malta, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã công khai chỉ trích Israel và mô tả chiến dịch của Hamas là phong trào kháng chiến, lập trường trái ngược với ông Zelensky.
Đáp lại sự ủng hộ mạnh mẽ của ông Zelensky, Israel thông báo họ sẽ không cung cấp hỗ trợ lớn hơn cho Ukraine, dù nước này đang rất cần viện trợ về vũ khí và tài chính từ phương Tây để tăng tốc chiến dịch phản công trước mùa đông.
Slim nói rằng Tel Aviv không có lựa chọn nào khác ngoài duy trì quan hệ với Moskva, một phần bởi vai trò của Nga ở Syria, quốc gia ngay sát sườn Israel. Tel Aviv muốn Moskva kiểm soát các nhóm dân quân đang hoạt động ở Syria, đặc biệt là lực lượng Hezbollah được Iran hậu thuẫn.
"Động thái của ông Zelensky có thể nhằm thu hút sự chú ý của dư luận thế giới trở lại với Ukraine", Slim nhận định. "Nhưng xung đột Israel - Hamas hiện chiếm quá nhiều quan tâm, đến mức tôi không nghĩ có ai ở Trung Đông thực sự nghĩ về Kiev lúc này".
Thanh Tâm (Theo Washington Post, Reuters, AFP)