"Tôi điện đàm với Ngoại trưởng Blinken vào sáng nay trong lúc diễn ra một đợt tập kích tên lửa lớn khác", Ngoại trưởng Dmytro Kuleba thông báo trên Twitter ngày 17/11.
Ông Kuleba cảm ơn Mỹ hỗ trợ quân sự, đồng thời hối thúc Washington nhanh chóng chuyển giao cho Kiev các tổ hợp tên lửa phòng không. "NASAMS chứng minh hiệu quả của mình, tôi tin đã tới lúc chuyển Patriot".
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken khẳng định "Mỹ sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine tự vệ". Tuy nhiên, ông Blinken không bình luận về yêu cầu của Ukraine đối với tổ hợp tên lửa phòng không Patriot.
Yêu cầu được ông Kuleba đưa ra sau khi Nga tăng cường tập kích bằng tên lửa và máy bay không người lái (UAV) tự sát nhằm vào hạ tầng quân sự, năng lượng và kho đạn của Ukraine. Các đợt tập kích khiến khoảng 40% hạ tầng năng lượng của Ukraine bị hư hại, hàng triệu người mất điện, theo Kiev.
Các vụ tập kích cho thấy hạn chế trong lưới phòng không của Ukraine, khi nước này sử dụng các tổ hợp tên lửa từ thời Liên Xô và lực lượng Nga nhiều khả năng nắm rõ ưu nhược điểm của chúng.
Ukraine đã nhận tên lửa phòng không NASAMS từ Mỹ và IRIS-T từ Đức, song số lượng còn hạn chế. Mỹ chưa có kế hoạch chuyển tên lửa phòng không Patriot cho Ukraine do thiếu hụt nguồn cung.
MIM-104 Patriot là tên lửa phòng không do Mỹ phát triển và được quân đội nước này biên chế từ năm 1981. Biến thể PAC-2, hay MIM-104C, có thể bắn trúng mục tiêu cách xa hơn 96 km và bay cao hơn 32.000 m, theo Cơ quan Phòng thủ Tên lửa Mỹ.
Biến thể mới nhất trong dòng Patriot là PAC-3, còn gọi là MIM-104F, là bản nâng cấp gần như toàn bộ có khả năng diệt các mối đe dọa trên không như tiêm kích, máy bay không người lái (UAV), tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo.
Nguyễn Tiến (Theo RT, Ukrinform)