"Tôi khen ngợi các thành viên Cục 9, Tổng cục Tình báo Quốc phòng (GUR), vì đã tiến hành đòn tấn công chính xác ở khoảng cách 1.800 km tính từ biên giới Ukraine. Đó là đòn tập kích rất hiệu quả, tôi tự hào về các bạn", Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 29/7 viết trên Telegram.
Tuyên bố được ông Zelensky đưa ra sau khi truyền thông nhà nước Ukraine dẫn nguồn tin từ GUR cho hay lực lượng này đã tiến hành chiến dịch tập kích bằng máy bay không người lái (UAV) đánh trúng một oanh tạc cơ siêu thanh tầm xa Tu-22M3 tại sân bay quân sự Olenya.
Căn cứ không quân Olenya nằm gần thị trấn Olenegorsk ở tỉnh Murmansk, đông bắc Nga, cách biên giới Ukraine khoảng 1.800 km. Quan chức GUR nói rằng đây là đòn tập kích xa nhất của quân đội Ukraine vào lãnh thổ Nga kể từ đầu xung đột.
Kỷ lục trước đó được ghi nhận hồi tháng 5, khi Cơ quan An ninh Ukraine (SBU) dùng UAV tự sát hoán cải từ máy bay thể thao nội địa Aeroprakt A-22 để tấn công một nhà máy lọc dầu Nga ở thành phố Salavat, cách tiền tuyến ở Ukraine hơn 1.200 km.
Tổng thống Zelensky không đề cập thiệt hại của Nga sau cuộc tập kích. Nguồn tin của truyền thông Ukraine cho biết đòn tấn công đã khiến chiếc Tu-22M3 bị hư hỏng. Nga chưa bình luận về thông tin này.
Đòn đánh vào sân bay Olenya được cho là một hoạt động trong khuôn khổ chiến dịch tấn công quy mô lớn vào lãnh thổ Nga, trong đó lực lượng Ukraine còn triển khai UAV tự sát nhắm vào hai căn cứ không quân khác và một nhà máy lọc dầu của đối phương.
Không rõ tình báo Ukraine đã sử dụng loại UAV nào trong vụ tập kích. Máy bay Aeroprakt A-22 hoán cải được cho là UAV tự sát có tầm bay xa nhất hiện nay của Ukraine, song quân đội nước này cũng sở hữu hàng chục loại UAV khác.
Sân bay Olenya là một trong các căn cứ đồn trú quan trọng của oanh tạc cơ Tu-22M3. Ảnh vệ tinh công bố hồi tháng 5 cho thấy tại đây có ít nhất 13 chiếc Tu-22M3, 12 phi cơ Tu-95MS, một máy bay Tu-160 cùng hai vận tải cơ quân sự An-12.
Sân bay này cũng nằm cách biên giới Phần Lan chỉ khoảng 150 km. Thông tin về cuộc tập kích của Ukraine tại Olennya đã làm dấy lên một số lo ngại ở Phần Lan về nguy cơ xung đột lan tới nước này.
Tuy nhiên, Tổng thống Phần Lan Alexander Stubb trong cuộc phỏng vấn với YLE cho rằng người dân nước này không nên quá lo lắng về những sự việc như vậy. "Chúng ta cần phải làm quen với thực tế rằng một cuộc chiến đang diễn ra gần biên giới Phần Lan, cũng như việc Ukraine sẽ sử dụng mọi phương tiện mà họ có để giành chiến thắng", ông Stubb nói.
Nga thường xuyên triển khai phi cơ Tu-22M3, Tu-95MS và Tu-160 để tập kích mục tiêu ở Ukraine bằng tên lửa hành trình. Oanh tạc cơ Nga thường khai hỏa từ khoảng cách hàng trăm km so với mục tiêu, nằm ngoài tầm đánh chặn hiệu quả của hầu hết các hệ thống phòng không Ukraine.
Tên lửa được phóng với số lượng lớn nhằm áp đảo hệ thống phòng không Ukraine. Do đó, giải pháp khả thi nhất của Kiev để chống lại chiến thuật tập kích tầm xa của oanh tạc cơ Nga là tấn công khi máy bay còn ở dưới mặt đất.
Ukraine từng hai lần tập kích các oanh tạc cơ Tu-22M3 khi chúng đang đậu ở căn cứ vào năm 2022 và 2023, được cho là đã phá hủy một máy bay và làm hư hại một chiếc khác.
Phạm Giang (Theo UP, Forbes)