"Hội nghị thượng đỉnh hòa bình đã được tổ chức, chúng tôi đang thảo luận chi tiết về ba kế hoạch: năng lượng, an ninh lương thực và trao đổi tù nhân. Tôi tin rằng chúng tôi sẽ giải quyết được các vấn đề này", Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 28/6 cho biết trong cuộc họp báo chung với Tổng thống Slovenia Natasa Pirc Musar tại Kiev.
Hơn 100 quốc gia và tổ chức quốc tế giữa tháng này tham dự hội nghị thượng đỉnh tại thành phố Lucerne của Thụy Sĩ để kêu gọi ủng hộ kế hoạch hòa bình 10 điểm mà Tổng thống Zelensky vạch ra lần đầu vào cuối năm 2022, với các chủ đề như an ninh năng lượng, an ninh lương thực và trao đổi tù nhân.
Ngoài ra, kế hoạch còn gồm một số điểm như khôi phục toàn vẹn lãnh thổ Ukraine, Nga rút hết quân về nước, trả tiền bồi thường và thành lập tòa án đặc biệt để truy tố tội ác chiến tranh. Nga bác bỏ các điều khoản này, coi chúng là phi thực tế.
"Chúng tôi cũng sẽ phát triển các điểm khác trong kế hoạch hòa bình và chuẩn bị một kế hoạch toàn diện để đặt lên bàn của tất cả đối tác. Điều quan trọng với chúng tôi là phải đưa ra kế hoạch chấm dứt chiến sự được phần lớn các quốc gia trên thế giới ủng hộ. Đó là con đường ngoại giao chúng tôi đang thực hiện", ông Zelensky nói hôm 28/6, thêm rằng sẽ công bố kế hoạch trong năm nay.
Trước đó một ngày, Tổng thống Zelensky khẳng định nước này "không có quá nhiều thời gian" và không muốn kéo dài cuộc chiến "thêm nhiều năm nữa".
"Chúng tôi đã có nhiều người thiệt mạng và bị thương trên chiến trường. Chúng tôi phải đưa ra kế hoạch giải quyết trong vài tháng tới", ông Zelensky nhấn mạnh khi phát biểu tại lễ ký thỏa thuận an ninh dài hạn với Liên minh châu Âu (EU) ở Brussels, Bỉ.
Nga và Ukraine hiện không tiến hành cuộc hòa đàm công khai nào. Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 14/6 cho biết Moskva sẽ ngừng bắn và bắt đầu tiến hành đàm phán hòa bình nếu Ukraine từ bỏ tham vọng gia nhập NATO, đồng thời rút toàn bộ lực lượng khỏi 4 tỉnh mà Moskva sáp nhập cuối năm 2022.
Ông nhấn mạnh Nga muốn đảm bảo "tình trạng trung lập, phi hạt nhân hóa, phi quân sự hóa và phi phát xít hóa" của Ukraine.
Mỹ và NATO chỉ trích đề xuất của ông Putin mang tính "gây hấn", trong khi Ukraine gọi các điều kiện Tổng thống Nga đưa ra là "ngớ ngẩn". Kiev nhiều lần khẳng định Moskva phải rút binh sĩ khỏi lãnh thổ nước này, bao gồm bán đảo Crimea, trước khi hai bên có thể khởi động đàm phán.
Quân đội Nga đang đạt các bước tiến "chậm mà chắc" trên chiến trường và mới tuyên bố chiếm thêm một ngôi làng ở tiền tuyến hôm 28/6. Nước này hiện kiểm soát khoảng 1/5 lãnh thổ Ukraine.
Phạm Giang (Theo UP, RT, AFP)