"NATO với tư cách một liên minh, một tổ chức hoàn toàn đứng ngoài lề và không làm gì cả", Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ngày 25/5.
"Vào giai đoạn đầu chiến sự, dư luận cho rằng NATO là thế lực mạnh còn Liên minh châu Âu (EU) chỉ bày tỏ quan ngại ở các cấp độ", ông Kuleba nói. "Nhưng cuối cùng, EU đưa ra những quyết định mang tính đột phá mà ngay cả chính họ cũng không ngờ tới. Chiến sự luôn là nơi chúng ta nhận ra nhiều điều".
Tuy nhiên, ông Kuleba nhấn mạnh các thành viên NATO, với tư cách các quốc gia riêng lẻ, đã hỗ trợ họ. Khoảng 20 quốc gia, hầu hết là thành viên NATO và EU, đã chuyển vũ khí cho Ukraine.
Ngoại trưởng Kuleba nói thêm rằng quân đội Ukraine bị lực lượng Nga áp đảo, đặc biệt là về hỏa lực pháo phản lực phóng loạt. "Pháo phản lực thực sự là vũ khí chúng tôi rất cần", ông Kuleba nói.
Ngay từ khi Nga bắt đầu mở chiến dịch quân sự ở Ukraine ngày 24/2, Ukraine liên tục kêu gọi NATO lập vùng cấm bay ở nước này nhằm ngăn chặn Nga không kích. Tuy nhiên, NATO bác khả năng này do lo ngại hệ quả nguy hiểm khi phải bắn hạ máy bay Nga, tạo ra nguy cơ chiến tranh trực diện. NATO cũng nhiều lần khẳng định binh sĩ của họ không tham chiến ở Ukraine.
Kiev suốt ba tháng qua đề nghị Mỹ, thành viên NATO, chuyển pháo phản lực tầm xa như M270 MLRS. Tuy nhiên, Nhà Trắng không sẵn lòng cung cấp tổ hợp này do lo ngại Ukraine dùng chúng tấn công mục tiêu trong lãnh thổ Nga và tăng quy mô xung đột hiện nay.
EU đã áp 5 gói trừng phạt với Nga, trong đó có một loạt hạn chế về xuất nhập khẩu. Liên minh đang cố gắng đạt được đồng thuận về gói trừng phạt thứ 6, trong đó có lệnh cấm dầu Nga.
Nguyễn Tiến (Theo AFP)