Tại một khu công nghiệp ở miền bắc Ukraine, hai cựu quản lý cấp cao của chi nhánh Microsoft tại Kiev cùng đội kỹ sư đang sản xuất máy bay quân sự không người lái, có thể di chuyển quãng đường dài và có tải trọng lớn.
Công ty AeroDrone từng sản xuất máy bay không người lái (UAV) phun thuốc cho hoa màu trước xung đột. Họ hiện là nhà cung cấp cho lực lượng vũ trang Ukraine, đã chế tạo mẫu UAV có thể mang tới 300 kg hoặc bay vài nghìn km.
Trong nỗ lực thu hẹp khoảng cách năng lực quân sự với Nga, Kiev đang mở rộng chương trình UAV để trinh sát và tấn công các mục tiêu trên phạm vi ngày càng lớn. Họ hy vọng các nhà sản xuất UAV trong nước như AeroDrone sẽ giúp họ đạt được các mục tiêu đầy tham vọng.
Chính phủ Ukraine đang làm việc với hơn 80 nhà sản xuất UAV có trụ sở trong nước, theo Bộ trưởng Quốc phòng Oleksii Reznikov. Ông nói Kiev cần hàng trăm nghìn chiếc UAV. Hiện tại, quân đội Ukraine đang sử dụng hàng chục mẫu UAV trong nước và nước ngoài có thể đáp ứng nhiều vai trò.
"UAV có khả năng thay đổi cục diện chiến trường giống như cách mà các hệ thống pháo phản lực phóng loạt của phương Tây đã làm năm ngoái", Reznikov nói.
UAV và các thiết bị không người lái khác chỉ là một phần trong cuộc chiến hiện bị chi phối bởi pháo binh, bộ binh và tên lửa. Moskva có thể tấn công các mục tiêu trên khắp Ukraine bằng tên lửa tầm xa, điều mà Kiev còn thiếu.
"Cân bằng sức mạnh là điều khó có thể mong đợi trong tương lai gần. Nga cũng đang không ngừng cải thiện UAV của họ", Reznikov nói.
Tuy nhiên, với một quốc gia có nền kinh tế bị chiến tranh tàn phá và phải phụ thuộc vào tài chính nước ngoài như Ukraine, UAV là giải pháp tương đối rẻ để chống lại quân Nga. Kiev cho biết họ sẽ chi gần 550 triệu USD cho UAV trong năm 2023 và thành lập các đơn vị UAV tấn công. Thư ký Hội đồng Quốc phòng và An ninh Ukraine Oleksiy Danilov nói UAV tự sát sẽ là trọng tâm của nước này trong năm 2023.
James Rogers, chuyên gia tác chiến UAV kiêm giáo sư Đại học Nam Đan Mạch, nói năng lực UAV của Ukraine vẫn tụt hậu so với Nga và loại UAV tự sát Shaded-136 do Iran sản xuất, đã được sử dụng để tấn công các cơ sở năng lượng của Ukraine trong năm qua.
Ukraine đã nhận được nguồn cung UAV đáng kể từ các đối tác, từ UAV trang bị tên lửa Bayraktar TB2 của Thổ Nhĩ Kỳ cho tới UAV trinh sát Black Hornet do Na Uy sản xuất.
Kiev cũng đang tăng cường tự sản xuất UAV. Taras Chmut, chuyên gia quốc phòng Ukraine, nói ngành sản xuất UAV trong nước đã tăng trưởng gấp 3-4 lần kể từ khi xung đột nổ ra vào cuối tháng 2 năm ngoái. Ông ước tính sản lượng mỗi năm có thể lên tới vào nghìn chiếc nếu có kinh phí và nguồn cung phụ tùng ổn định.
Chmut, người đứng đầu tổ chức phi chính phủ Come Back Alive, cho biết họ đã gây quỹ được hàng chục triệu USD để hỗ trợ cung cấp thiết bị cho quân đội, trong đó có UAV. Ông nói thêm quy mô của phi đội UAV Ukraine đã tăng "hàng chục lần" kể từ tháng 2/2022 nhờ nguồn cung mới từ trong và ngoài nước.
Một trong những trọng tâm của Ukraine là phát triển UAV có khả năng di chuyển trên quãng đường dài, theo Reznikov. Kiev đã thúc giục đồng minh chuyển các tên lửa tầm xa có thể tấn công mục tiêu cách xa vài trăm km, song vẫn bị từ chối.
AeroDrone cho biết loại UAV có tên Enterprise mà họ phát triển có thể bay hơn 3.000 km trong một số điều kiện nhất định.
Dmytro Shymkiv và Yuriy Pederiy, hai người quen nhau khi làm việc ở văn phòng Microsoft tại Kiev, cùng điều hành công ty AeroDrone. Họ cho biết không thể tiết lộ nhiều về những hợp đồng quân sự, nhưng mẫu Enterprise và mẫu Discovery có thể được sử dụng cho nhiều mục đích chiến thuật khác nhau nhờ tải trọng lần lượt là 300 kg và 80 kg. UAV mà công ty sản xuất có giá dao động 150.000 - 450.000 USD mỗi chiếc tùy vào kiểu máy và tính năng.
Trong chuyến thăm của phóng viên Reuters đến AeroDrone hồi cuối tháng 2, các kỹ sư đang bận rộn chế tạo chiếc Enterprise từ một máy bay hạng nhẹ. "Nó có thể mang 200 kg trên quãng đường 1.200 km", ông Shymkiv nói.
Bộ Quốc phòng Ukraine cho biết AeroDrone đã ký hợp đồng cung cấp hai loại UAV đường dài, nhưng từ chối tiết lộ chi tiết. Bộ cũng từ chối chia sẻ về phi đội UAV hiện tại của Ukraine, song một công ty sản xuất vũ khí nhà nước hồi tháng 12 năm ngoái tuyên bố họ đã thử nghiệm thành công UAV tấn công với đầu đạn 75 kg và phạm vi bay 1.000 km.
Phạm vi hoạt động và sức mạnh của UAV là một vấn đề nhạy cảm. Nga từng tuyên bố một số UAV của Ukraine có thể xâm nhập sâu phía sau phòng tuyến, dù giới chức Ukraine thường phủ nhận trách nhiệm về các hoạt động của UAV trên lãnh thổ Nga.
Hồi tháng 12/2022, Moskva nói UAV của Ukraine tấn công hai căn cứ không quân của Nga, nơi đặt bom tầm xa nằm sâu trong lãnh thổ của họ, khiến 3 người thiệt mạng. Bộ Quốc phòng Ukraine nói "Kiev không liên quan tới sự việc xảy ra trên lãnh thổ Nga".
Vài tuần gần đây, quan chức Nga báo cáo ít nhất 6 vụ tập kích UAV trên lãnh thổ của họ, trong đó cáo buộc một số do Ukraine tiến hành. Khi được hỏi liệu Ukraine có sử dụng UAV nhắm mục tiêu ở Nga, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine nói "mọi thứ xảy ra trên lãnh thổ Nga là vấn đề của Nga. Ukraine không phải kẻ khủng bố hay những người tấn công".
Tuy nhiên, khi chia sẻ về các cuộc tấn công nói chung, người đứng đầu Hội đồng An ninh Quốc gia Danilov nói rằng về lý thuyết, một số cuộc tấn công trên đất Nga có thể là điều cần thiết. "Nếu có một cơ sở gây tổn hại cho đất nước chúng tôi, chúng tôi phải phá hủy nó. Đây là xung đột. Và đó không phải lỗi của chúng tôi nếu mục tiêu nằm trên lãnh thổ Nga", ông nói hồi tháng 2.
Ukraine vẫn đối mặt nhiều thách thức khi mở rộng sản xuất UAV nội địa. Chmut nói rằng một trong những rào cản để sản xuất số lượng lớn là Ukraine phụ thuộc vào nguồn cung phụ tùng từ nước ngoài, việc đưa các thiết bị về Ukraine cũng rất khó khăn.
Quá trình để được phê duyệt sử dụng cho quân đội là một trong các vấn đề, dù Reznikov nói Bộ Quốc phòng Ukraine đã cắt giảm quy trình từ hai năm xuống còn vài tuần.
Shymkiv, lãnh đạo AeroDrone, cho biết chính phủ Ukraine đã nới lỏng quy định về nhập khẩu mặt hàng sử dụng cho cả dân sự và quân sự, như máy bay không người lái hay các thiết bị đi kèm. Tuy nhiên, ông thêm rằng chưa thể loại bỏ hết các rào cản.
Danilov thừa nhận Ukraine phải phụ thuộc vào những nước khác để có nguồn cung các bộ phận UAV công nghệ cao hơn. "Chúng tôi đang cố đáp ứng nhu cầu trong lĩnh vực này bằng sản xuất trong nước, song nhận ra rằng chúng tôi khó có thể đáp ứng mọi thứ", ông nói.
Thanh Tâm (Theo Reuters)