From: T.D.
Sent: Wednesday, April 02, 2008 3:20 PM
Subject: Re: ap luc nha chong toi muon ly hon
Gửi Hoài,
Thật mệt mỏi, bạn đã có 3 năm mệt mỏi, còn tôi đã 9 năm mệt mỏi rồi.
Tôi đã ở riêng từ ngày chúng tôi cưới, chồng tôi là một người ngoại tỉnh, trong một gia đình nghèo nhiều chữ nghĩa. Tôi sinh ra tại Hà Nội trong một gia đình cũng tương đối danh giá, cha mẹ cũng có chút địa vị trong xã hội. Khi anh tìm hiểu tôi, mẹ tôi vì thương con cũng rất buồn phiền lo lắng cho tương lai của con mình, bao chàng trai tương lai rộng mở sao không chọn lại chọn một cậu sinh viên nghèo không nhà cửa, không tiền bạc, không có gì trong tay để làm bạn đời, ngoài tính tình hiền lành, chân thành của anh.
Tôi cũng không biết bằng cách nào tôi đã thuyết phục được mẹ cho yêu anh. Tôi đã yêu anh và sau vài tháng yêu nhau thì anh thất nghiệp. Giai đoạn đó anh rất buồn và lo lắng vì không biết sẽ phải sống bằng gì ngày mai, trong lúc bản thân không biết sống thế nài. Bố mẹ anh lại tống một thằng em ra ở cùng anh với một lý do là mày phải nuôi nó, nó ở nhà bố mẹ anh không chịu nổi, gánh nặng lại chồng chất lên vai.
Hằng tháng tôi đi làm và chu cấp tiền để anh, em anh sinh sống và anh miệt mài xin việc. Với đồng lương nhỏ bé của tôi, cô gái chưa có gia đình đã phải tính toán làm sao để anh đủ sinh hoạt cho cả tháng. Bố mẹ anh không hỏi han cũng chẳng giúp đỡ gì. Trong lúc khó khăn vậy bố anh với một chút kiến thức về bói toán coi cho chúng tôi và nói “sau này chúng mày giàu có lắm, nhưng nhớ phải báo hiếu bố mẹ”, tôi thấy thật bất nhẫn. Tôi từ một cô gái có suy nghĩ người nhà quê thật hiền lành chân chất, thành ra có ác cảm với người ngoại tỉnh.
Rồi đám cưới cũng diễn ra, tôi nghĩ mình may mắn lấy được chồng hiền lành. Bố mẹ chồng lại ở ngoại tỉnh chắc dễ bị xăm xoi hơn. Ngày ăn hỏi, vốn tính tự lập chúng tôi lo hết mọi thứ từ cau trầu, một lễ ăn hỏi đủ đầy làm mát mặt nhà chồng. Mẹ đẻ tôi vì thương chúng tôi, biết chúng tôi tự lo nên yêu cầu đừng tiền nong gì cả tốn kém. Bố mẹ chồng tôi từ quê ra làm đám hỏi.
Đám hỏi diễn ra vào lúc 1h30 chiều, từ sáng sớm bên nhà tôi tất bật dọn dẹp, các em trong họ giúp chồng tôi lấy đồ lễ vì nhà anh không có người lấy giúp. Bạn bè tôi xuống giúp anh đồ xôi, mua gà thắp hương. Vậy mà từ 6h30 bố mẹ anh ra khỏi nhà ăn sáng và không biết đi đâu? Đến 12h30 bố mẹ chồng tôi có mặt ở nhà và nói “sáng đi ăn sáng và đến thăm người bạn”. Tôi thật sự ngỡ ngàng không hiểu nổi ngày đám hỏi đứa con đầu tiên của bố mẹ chồng tôi vậy đó.
Sau ngày cưới tôi được răn dạy rất nhiều điều, từ những người nhà quê chân chất đó, cả họ nhà anh ai cũng xúm vào răn dạy phải thế này phải thế kia. Xăm xoi đủ thứ, họ nghĩ như tôi đã lọt vào tay họ rồi thì họ muốn làm gì là tùy họ tôi mà phản ứng lại là hỗn láo. Tôi giữ im lặng, nhưng tôi rất bực mình.
Ngày tôi sinh con, mẹ chồng tôi ra chăm cháu đúng 20 ngày và cả bố mẹ chồng tôi mất dạng để mặc nhà ngoại chăm thế nào thì tùy đến khi con tôi 1 tuổi rưỡi.
Mỗi lần về thăm bố mẹ anh, bố anh đưa ra rất nhiều thứ để răn dạy nào là phải thế này phải thế kia, phải quan tâm lo lắng, báo hiếu cho bố mẹ. Không những vậy đến nhà cô, chú anh chơi lại nhận được bài giáo huấn phải có trách nhiệm với bố mẹ, phải thế này thế kia. Tôi mệt mỏi và rất ức chế.
Trong khi đó ở gia đình tôi (vốn được coi là học cao, danh giá hơn nhà anh) cả tôi và anh đều rất được nể trọng, cô dì chú bác đều đánh giá rất cao chúng tôi, có vấn đề gì nhiều khi họ gọi cho chúng tôi và xin lời khuyên của chúng tôi nên thế nào.
Bố mẹ tôi thương anh, anh thích ăn gì trên mâm cơm lập tức có, không bao giờ coi thường anh là thằng rể ngoại tỉnh gia thế nghèo khó. Anh sống rất thoải mái trong họ tộc nhà tôi. Anh đi đến đâu mọi người đều thân thiện tiếp đón anh niềm nở, điều mà không có được ở phía họ nhà anh. Có thấy ngược đời không?
Ngày anh nằm viện và phải mổ, tôi không thể tưởng tượng nổi bố mẹ anh không có mặt lúc con mình hoạn nạn trong khi chỉ cách thành phố có… 30 km với một lý do rất “ chính đáng” là phải đi đưa thiếp mời cưới em trai anh? Tôi thất vọng nặng nề về ứng xử của những người suốt ngày răn dạy tôi.
Suốt một tuần nằm viện, họ không một lần ra thăm con xem con thế nào? Trời đất thật khó hiểu cho những người làm cha làm mẹ. Vậy nếu những điều đó tôi mà nói ra thì bị coi là bất hiếu, là cãi bố mẹ. Tôi luôn giữ thái độ im lặng để giữ thể diện cho chồng, nhưng thực sự tôi rất bất bình và coi thường họ.
Đến bây giờ sau 9 năm cưới nhau cả tôi và anh đều có chút địa vị tại những doanh nghiệp có danh tiếng, ở cơ quan tôi rất được trọng dụng, yêu mến, lời nói của tôi rất có trọng lượng và mọi người đều rất lắng nghe. Vậy mà khi về quê nhà chồng ối giời ơi lại răn dạy: Bố dạy các con ra đường gặp ai cũng phải chào kể cả người ta không biết mình, mình không biết người ta cũng… chào to, không người ta chửi mình là đồ thể nọ thế kia… (bố anh gián tiếp chửi tôi và anh). Tôi không phải lên năm lên ba và cũng không phải dạng giao tiếp kém cỏi để phải chỉ dẫn vậy. Tôi thấy ức chế như bị xỉ nhục.
Gặp cô chú bác họ nào cũng coi tôi như dâu mới về nhà chồng nên bắt nạt, lại bài ca phải thế nọ phải thế kia. Sao những việc các đấng sinh thành cần làm họ chẳng làm, chỉ răn dạy sáo rỗng vậy trong khi bản thân họ chẳng làm được điều đó. Họ răn dạy nhiều thứ lắm làm như chúng tôi là những tội đồ.
Phận làm con cần làm những gì chúng tôi đều đáp ứng đủ, nhưng tôi cảm giác thấy chồng tôi hiền lại biết tôi không dám cãi nên họ được thể bắt nạt. Trong khi các con và các con dâu của cô chú anh làm những điều còn ghê gớm hơn, nhưng chẳng ai hé miệng nói một câu, nói chắc sợ họ phật ý. Tôi thấy mệt mỏi và coi thường họ.
Những điều răn dạy của cha mẹ có thể có người nói là muốn con tốt lên thôi, nhưng các bạn có hiểu mang những điều của những năm 1960 áp dụng vào thế kỷ 21 đấy có phải lời khuyên tốt không, nhất là đối với chúng tôi những người ra ngoài xã hội nhiều người phải học hỏi. Tôi thấy mệt mỏi và tôi cũng khuyến cáo chồng nếu anh không lên tiếng thì đến lúc tôi không kiềm chế được nữa là tôi sẽ nói thẳng vào mặt mọi người, lúc đó tanh bành ra thì lại đau đầu.
Tất cả những gì vợ chồng tôi có được ngày hôm nay đóng góp không nhỏ từ tôi. Phải nói đa phần do tôi tạo dựng lên. Vậy mà bố mẹ chồng tôi cứ ngỡ ông bà chăm lo vun xới, còn tôi là người hái quả ngọt do con ông bà mang lại. Sẽ có ngày tôi sẽ lên tiếng…