Tại buổi họp báo chiều 30/9, ông Võ Văn Luận, Chánh văn phòng UBND TP HCM cho biết, sau khi báo chí phản ánh việc các tiểu thương ở chợ Tân Bình không đồng ý việc xây dựng chợ truyền thống mới và trung tâm thương mại, thành phố đã yêu cầu quận này báo cáo cụ thể. Trước đó, quận Tân Bình đã thực hiện theo đúng chủ trương của thành phố. Quá trình thực hiện cũng rất lâu, đã trưng cầu ý kiến của người dân rất chặt, phát phiếu thăm dò đầy đủ.
"Tôi cũng rất ngạc nhiên, công tác chuẩn bị lâu như thế nhưng cuối cùng thông tin đến người dân lại chuệch choạc. Nhất là việc tiểu thương không đồng tình chủ trương xây chợ, chứ chưa nói gì đến giá cả, chính sách", ông Luận nói và cho biết có thể trong quá trình vận động, quận làm chưa tới, chưa đi sâu vào từng ngành hàng, đồng thời mô hình thiết kế chợ phối hợp với trung tâm, đặc biệt là sơ đồ bố trí sạp chưa đảm bảo.
Vị Chánh văn phòng cho biết, chợ Tân Bình được xây dựng từ mấy chục năm trước, đã rất cũ kĩ về lâu dài có thể ảnh hưởng đến việc bảo đảm an toàn, phòng cháy, chữa cháy nên nhu cầu sửa chữa, nâng cấp là có thật và rất cần thiết. Mục tiêu của thành phố khi cho phép xây mới chợ Tân Bình là làm thế nào để vừa xây dựng được trung tâm thương mại, tận dụng được không gian chiều cao nhưng phải đảm bảo chợ truyền thống vẫn tồn tại và duy trì việc buôn bán của các tiểu thương.
Theo ông Luận, quận Tân Bình thừa nhận sau buổi tiếp xúc với các tiểu thương nhận thấy vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau nên đã có văn bản tạm ngưng triển khai dự án xây mới chợ Tân Bình theo thiết kế đã được công bố. Việc tạm ngưng là để xem xét lại từ đầu đến cuối các kiến nghị của người dân và điều chỉnh thiết kế, sơ đồ, vị trí chính sách... làm thế nào bảo đảm hài hòa được 3 lợi ích của nhà nước, tiểu thương và của chủ đầu tư.
Người phát ngôn của UBND thành phố cũng cho biết, với tư cách cá nhân, ông đã góp ý với quận Tân Bình xem lại sơ đồ vì thiết kế vừa rồi có vẻ chưa hợp lý. Đã là chợ truyền thống thì không nên có đến 6-7 tầng, như thế tiểu thương rất khó buôn bán. Ngoài ra, cũng không nên tách chợ Tân Bình thành 2 khu A (nhà cao tầng) và B (chợ truyền thống) như thiết kế hiện nay vì sẽ không thể đủ sạp cho tiểu thương được mà phải để khu A và khu B liên thông với nhau và bố trí sạp cho bà con tiểu thương ở tầng thấp.
"Tối đa 2 tầng thôi, không nên xây cao vì chợ truyền thống mà xây cao rất khó buôn bán", ông Luận nói và cho biết UBND thành phố đồng ý với việc tạm ngưng triển khai dự án, còn ngưng đến khi nào thì do quận quyết định. Song tinh thần là phải xem xét tất cả các kiến nghị của tiểu thương rồi rà lại thiết kế, sơ đồ. Thành phố có ý kiến thì quận mới tiếp tục đưa ra xin ý kiến tiểu thương, rồi thảo luận giữa các ngành hàng để bà con tiểu thương hiểu và ủng hộ cho chủ trương của thành phố.
Tuần cuối của tháng 9, UBND quận Tân Bình công bố kế hoạch giải tỏa chợ Tân Bình hiện hữu và xây dựng dự án đầu tư xây dựng Trung tâm thương mại dịch vụ đa năng và chợ truyền thống Tân Bình. Trong đó, chợ Tân Bình (số 172 - 274 Lý Thường Kiệt) sẽ được xây dựng mới theo mô hình phía trước là Trung tâm thương mại và phía sau là công trình chợ truyền thống. Trung tâm thương mại được xây dựng trên diện tích 7.000 m2, gồm 17 tầng lầu và 3 tầng hầm, với tổng kinh phí đầu tư 1.992 tỷ đồng. Còn chợ truyền thống Tân Bình được xây dựng trên phần đất còn lại của chợ hiện hữu có diện tích gần 15.000 m2, quy mô gồm 6 tầng lầu, một tầng lửng và một tầng hầm với hơn 5.000 sạp. Cả 2 công trình mới này đều do doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư, không sử dụng tiền ngân sách Nhà nước. Sau khi xây dựng xong, nhà đầu tư sẽ bàn giao công trình lại cho UBND quận Tân Bình quản lý, khai thác. Trước thông tin này, hơn 300 tiểu thương tại chợ Tân Bình đã phản đối kịch liệt, không đồng ý chủ trương xây chợ mới. Mâu thuẫn kéo dài cả tuần nay. Sự việc vẫn chưa đi đến kết quả đồng thuận chung. |
Hữu Công