UBND TP Hà Nội vừa trả lời kiến nghị cử tri trước kỳ họp HĐND lần thứ 10, dự kiến ngày 5-8/12, về quy hoạch đường Lê Văn Lương. Cử tri cho rằng tuyến đường này thường xuyên ùn tắc do có nhiều khu đô thị, nhà chung cư; đề nghị thành phố kiểm tra lại quy hoạch, xử lý trách nhiệm cán bộ nếu có sai phạm.
Khẳng định hai bên trục đường Lê Văn Lương được xây dựng đúng định hướng quy hoạch, UBND TP Hà Nội đưa ra nhiều căn cứ pháp lý.
Thứ nhất, trên cơ sở Quyết định số 108/1998 của Thủ tướng về điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô, UBND thành phố phê duyệt Quy hoạch chi tiết tuyến đường Giảng Võ, Láng Hạ, Thanh Xuân (quyết định số 112/2002), trong đó có đoạn Lê Văn Lương. Thời điểm này, trục đường Láng Hạ - Thanh Xuân (nối tiếp từ Giảng Võ đến Vành đai 2) được xác định xây dựng cao tầng, tối đa 33 tầng.
Thứ hai, năm 2008 cùng với việc hợp nhất Hà Nội với Hà Tây và một phần tỉnh Hòa Bình, Vĩnh Phúc, UBND thành phố đã chỉ đạo Sở Quy hoạch và Kiến trúc rà soát quy hoạch khu vực, nghiên cứu phương án định hướng không gian kiến trúc cảnh quan hai bên đường Lê Văn Lương và Phạm Hùng nhằm nâng cao chất lượng cảnh quan kiến trúc đô thị, xây dựng các tuyến phố văn minh hiện đại, hoàn chỉnh các dự án đầu tư hướng tới kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Quá trình thực hiện, Hà Nội đã có công văn gửi Bộ Xây dựng và được Bộ thống nhất về nguyên tắc chủ trương quy hoạch tổ chức không gian.
Thứ ba, theo Quyết định số 1259/2011 của Thủ tướng phê duyệt quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tuyến đường Lê Văn Lương - Tố Hữu - Nguyễn Thanh Bình nằm trong khu vực nội đô mở rộng và chuỗi đô thị phía đông vành đai 4, đi qua các quận Thanh Xuân, Cầu Giấy, Từ Liêm và Hà Đông. Các khu vực tuyến đường đi qua được phát triển mật độ cao, tiết kiệm đất, có không gian cao tầng tạo hình ảnh đô thị hiện đại.
Từ Quyết định 1259, năm 2015 TP Hà Nội ban hành quy hoạch phân khu đô thị H2-2 với chức năng hỗn hợp, tầng cao 30, 35 và cao nhất 45 tầng hai bên đường Lê Văn Lương. "Như vậy, chủ trương quy hoạch tuyến đường Lê Văn Lương đảm bảo thống nhất xuyên suốt các thời kỳ quy hoạch từ trước đến nay", văn bản trả lời của UBND TP Hà Nội nêu.
Nhấn mạnh đến chiều cao tối đa của tòa nhà hai bên đường Lê Văn Lương, tuy nhiên chính quyền thành phố không trả lời cử tri về mật độ xây dựng thế nào.
Lý giải về tình trạng ùn tắc trên tuyến này, UBND thành phố cho rằng do lưu lượng giao thông vào nội đô lớn, trong khi hệ thống giao thông khu vực chưa được đầu tư đầy đủ. Theo quy hoạch, sắp tới thành phố sẽ đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống đường sắt đô thị, buýt nhanh BRT, đường trên cao.
Ngoài ra, việc hoàn thành nút giao Lê Văn Lương, đường Lê Quang Đạo kéo dài, mở rộng đường Lương Thế Vinh, Trung Văn, đường nối cầu Mỗ Lao đến đường 70 sẽ đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân trong khu vực, cải thiện tình trạng ùn tắc giao thông.
Đường Lê Văn Lương dài 2 km, mỗi chiều rộng 11,25 m, dải phân cách giữa rộng 3-7 m. Hai bên đường có khoảng 15 khu nhà ở, văn phòng, thương mại cao tầng. Một số ô đất trống đang được xây dựng nhà cao tầng. Tuyến này thường xuyên ùn tắc, trong khi phải dành một làn mỗi chiều cho buýt nhanh BRT.
Hồi tháng 5, Bộ Xây dựng đã ban hành kết luận thanh tra, chỉ ra nhiều vi phạm dẫn tới tăng diện tích xây dựng, số tầng và dân số ở trục đường Lê Văn Lương. Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội phản hồi kết luận thanh tra "chưa đầy đủ", "chưa chính xác" và cần trao đổi thêm. Đến nay, UBND TP Hà Nội và các cơ quan liên quan chưa có thông tin chính thức về việc thực hiện kết luận thanh tra.
Ngày 3/11, chất vấn Bộ trưởng Xây dựng tại Quốc hội, đại biểu Lý Văn Huấn (Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Thái Nguyên) đã dẫn chứng việc xây dựng nhà cao tầng trên tuyến đường Lê Văn Lương là điển hình bất hợp lý "phá vỡ quy hoạch tầm chiến lược và mất cảnh quan đô thị". Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị thừa nhận trong quá trình điều chỉnh quy hoạch ở một số địa phương, có trường hợp tùy tiện, chưa đảm bảo yêu cầu, quy chuẩn dẫn đến phá vỡ quy hoạch.
Võ Hải