Tại văn bản đóng góp ý kiến cho dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam, ngoài việc đề xuất xây cầu cạn thay cho việc sử dụng nền đường đắp, Phó chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Văn Khôi còn kiến nghị, chủ dự án cần điều tra, khảo sát kỹ hệ thống đường giao với đường sắt cao tốc, đảm bảo việc đấu nối và xây dựng hệ thống đường gom dọc đường sắt qua các khu dân cư để hạn chế tai nạn.
Đường sắt cao tốc ở nước ngoài. Ảnh minh họa của static.guim.co.uk. |
Về quy hoạch, Phó chủ tịch Khôi nhất trí với việc lựa chọn vị trí điểm đầu tại ga kỹ thuật Ngọc Hồi để một số đoàn tàu có thể vào thẳng ga Hà Nội bằng việc sử dụng chung với tuyến đường sắt trên cao Yên Viên – Ngọc Hồi trong thời gian ngoài giờ cao điểm.
Phó chủ tịch thành phố cũng lưu ý, do khối lượng giải phóng mặt bằng dự án lớn nên chủ đầu tư cần nghiên cứu, làm việc với các địa phương nơi dự án đi qua để thống nhất bố trí quỹ đất tái định cư cho người dân.
Đường sắt cao tốc Bắc - Nam, tổng chiều dài toàn tuyến đường sắt cao tốc là 1.570 km, bắt đầu từ Hà Nội đến ga cuối là Hòa Hưng (TP HCM), trong đó cầu cạn dài 1.043 km, cầu vượt sông và đường bộ là 46 km, hầm 117 km, còn lại là nền đường đào đắp dài 364 km chiếm 23%. Có tất cả 27 ga. Dự kiến thời gian chạy tàu từ Hà Nội - Hoà Hưng là 5 giờ 38 phút đối với tàu nhanh (chỉ đỗ các ga Vinh, Đà Nẵng, Nha Trang) và 6 giờ 51 phút với tàu thường đỗ ở tất cả các ga. Dự án được chia làm 2 giải đoạn. Giai đoạn một đến 2020 đưa vào khai thác đoạn từ Hà Nội - Vinh và đoạn Nha Trang - TP HCM và giai đoạn đến 2030 xây dựng đưa vào khai thác đoạn Vinh - Đà Nẵng và hoàn thành toàn tuyến vào 2035. Tổng diện tích đất thu hồi để làm dự án khoảng 4.170 ha và 9.480 hộ cần tái định cư. |
Xuân Tùng