Theo giới phân tích, nếu Uber đổ nguồn lực vào châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Ấn Độ, “gã khổng lồ 50 tỷ USD” có trụ sở tại San Francisco sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các công ty vận tải địa phương, và bị vướng vào một cuộc chạy đua giành thị phần khốc liệt trên cả nước.
Tuy vậy, theo ông Kalanick triển vọng kinh doanh của hãng này tại Trung Quốc là rất sáng sủa. "Mức tăng trưởng ở thị trường này vượt trội hơn ở bất cứ quốc gia nào mà chúng tôi đã từng trải qua", vị này phát biểu trong cuộc gặp giữa tuần này với nhà đầu tư tại Bắc Kinh.
Theo số liệu của Uber, hãng từng chỉ chiếm 1% thị phần gọi xe khi đặt chân vài Trung Quốc hồi đầu năm, song sau 9 tháng, con số này đã lên đến 30 - 35% và hãng đang hoạt động tại khoảng 20 thành phố.
Đối thủ lớn nhất của Uber tại Trung Quốc là công ty bản địa - Didi Kuaidi. Ở vòng gọi vốn mới đây, trong khi Uber được nhận thêm 1,2 tỷ USD thì số vốn Didi nhận được lên tới 3 tỷ USD. Cả hai công ty đều đang tập trung rất nhiều tiền vào việc trợ cấp tài xế, thu hút khách hàng và giành lấy thị trường. Dịch vụ taxi Didi Kuaidi cũng đã thay đổi cách thức hoạt động gần giống Uber với ứng dụng gọi xe taxi thông qua smartphone.
Để cạnh tranh, Kalanick cho biết gã khổng lồ internet Baidu hiện là đối tác chiến lược, cho phép Uber tiếp cận với công nghệ bản đồ tìm kiếm tại Trung Quốc. Ngược lại, Didi lại được sự hậu thuẫn của Alibaba và Tencent, hai ông lớn khác trong lĩnh vực này.
Kế hoạch bành trướng táo bạo và sự hợp tác với Baidu - vốn được mệnh danh là “Google của Trung Quốc”, giúp Uber xây dựng và củng cố mối quan hệ với chính quyền địa phương, đồng thời cho thấy quyết tâm mở rộng thị phần tại quốc gia có 500 triệu người sử dụng điện thoại thông minh.
Kim Thoa (Theo CNN)