Hôm nay (29/11), lễ ký kết hợp tác chiến lược giữa Uber và ví điện tử MoMo đã diễn ra tại Hà Nội. Theo đó, ví điện tử này sẽ trở thành một trong ba phương thức thanh toán chính của dịch vụ Uber tại Việt Nam, bên cạnh tiền mặt và các loại thẻ ngân hàng. Ngược lại, người dùng cũng có thể đặt xe trực tiếp từ giao diện của ứng dụng ví điện tử này một cách dễ dàng.
Qua trải nghiệm thực tế, thao tác thêm phương thức thanh toán là ví MoMo trên Uber chỉ mất không đến một phút. Mọi thông báo từ lúc đặt xe thành công, đến lúc hoàn tất chuyến đi đều được hiển thị tự động, mạch lạc ngay trên ứng dụng. Tuy nhiên, khi đặt xe với hình thức thanh toán là ví MoMo, ứng dụng sẽ tạm giữ của người dùng tối thiểu 40.000 đồng hoặc bằng với số tiền tạm tính khi đặt chuyến. MoMo lập tức hoàn lại số tiền này vào ví khi hủy chuyến.
Theo dự kiến, người dùng sẽ được trải nghiệm hình thức thanh toán và gọi xe mới từ tháng 1/2018.
![]() |
Trải nghiệm đặt xe Uber trên ví điện tử MoMo. |
"Việt Nam có thị trường tăng trưởng nhanh, hệ thống kỹ thuật và công nghệ phát triển, môi trường dân số trẻ và đặc biệt là các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng... là nơi mà chúng tôi có thể thể hiện vai trò và điểm mạnh của mình trong việc chống ùn tắc giao thông", ông Brooks Entwistle, Tổng giám đốc kinh doanh Uber châu Á - Thái Bình Dương cho biết.
Vị tổng giám đốc này cũng chia sẻ ba lý do để lựa chọn đơn vị hợp tác chiến lược của hãng. Đầu tiên, MoMo là Fintech (công ty kinh doanh dịch vụ tài chính dựa trên nền tảng công nghệ) hàng đầu ở Việt Nam, đồng thời có tư duy dẫn đầu khu vực Đông Nam Á trong lĩnh vực này. Thứ hai, công ty Việt có kinh nghiệm 10 năm phát triển và hoạt động và yếu tố cuối cùng là sự hiện diện của các tập đoàn tài chính lớn đứng sau tài trợ.
"Thanh toán di động là lĩnh vực mới không chỉ với Việt Nam mà nhiều quốc gia khác. Sự hợp tác này có thể chỉ là một bắt đầu nhỏ nhưng mang trong nó sự kỳ vọng rất lớn, đem lại lợi ích không chỉ có người gọi xe và lái xe mà còn là sự kết nối cho lợi ích của cả quốc gia", ông nói.
![]() |
Brooks Entwistle, Tổng giám đốc kinh doanh Uber châu Á - Thái Bình Dương. |
Theo Brooks Entwistle, sự tiện dụng của công nghệ bên cạnh tính ổn định, chắc chắn khi thanh toán không cần thẻ tín dụng, tiền mặt là các lợi ích trực tiếp đem lại cho người sử dụng tại Việt Nam. Đặc biệt đây cũng là hình thức thanh toán an toàn.
"Vấn đề bảo mật và chống gian lận được Uber quan tâm ở cấp độ toàn cầu chứ không riêng thị trường Việt Nam. Chúng tôi có thế mạnh là nhiều sản phẩm và kinh nghiệm áp dụng với việc bảo vệ an toàn tính riêng tư, bảo mật cho người dùng", ông nói.
Cuối cùng, đại diện Uber khẳng định: "Việc hợp tác giữa một công ty toàn cầu như Uber với một công ty địa phương như MoMo sẽ tạo nên nhiều lợi thế cạnh tranh vượt trội, giúp củng cố vị thế vững chắc của chúng tôi tại thị trường này".
![]() |
Tạo đàm về cuộc sống thông minh trong kỷ nguyên 4.0 |
Cũng tại buổi ký kết, tọa đàm mang tên "Cuộc sống thông minh trong kỷ nguyên 4.0" đã được diễn ra với sự tham dự của các chuyên gia và khách mời là lãnh đạo Chính phủ. Buổi tọa đàm nhận được nhiều đóng góp về cơ hội thách thức của người dùng Việt trong thời đại công nghệ 4.0, bắt đầu bằng việc thúc đẩy nền kinh tế không tiền mặt, xây dựng cuộc sống thông minh.
Ông Nguyễn Mạnh Tường, CEO của ví điện tử MoMo cho biết: "Kết hợp với Uber, chúng tôi mong muốn tất cả mọi người từ thành phố tới nông thôn tiếp cận được với trải nghiệm bước xuống xe mà không cần rút tiền thanh toán. Trong 2 hoặc 3 năm tới, người dân Việt Nam sẽ có thể ra ngoài mà không cần dùng tiền mặt và MoMo muốn góp phần làm đơn vị tiên phong tạo nên hệ sinh thái này".
"Tại Việt Nam, không dùng tiền mặt là vấn đề lớn, nhưng cũng là mong mỏi của người dân. Chính phủ đã nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề này, từ đó đưa ra các văn bản, hành lang pháp lý phù hợp. Hy vọng trong thời gian tới việc không dùng tiền mặt sẽ trở thành điều bình thường. Dĩ nhiên, nó cũng đặt ra các thách thức về an ninh mạng, bảo mật… và phải có biện pháp để tăng thêm độ an toàn cho người sử dụng, tạo niềm tin cho xã hội", ông Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội chia sẻ.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện quản lý kinh tế Trung Ương nói: "Chúng ta đang sống trong một thế giới biến đổi rất nhanh, cá chậm sẽ không còn gì ăn, công ty chậm sẽ bị chiếm mất thị trường. Câu chuyện về Uber cũng tương tự như vậy. Nếu vận dụng sáng tạo và linh hoạt cách mạng công nghiệp 4.0, con người sẽ không mất việc làm mà ngược lại sử dụng công nghệ để tăng năng suất. Người lao động sẽ luôn sẵn sàng học tập, nâng cao trình độ để thích nghi với những công việc mới".