Quyết định truy thu gần 67 tỷ đồng được đưa ra sau khi Cục Thuế TP HCM tiến hành thanh tra Công ty TNHH Uber B.V (Hà Lan). Thời kỳ thanh tra được xác định kể từ lúc Uber B.V bắt đầu hoạt động tại thị trường Việt Nam đến tháng 6/2017.
Sau thanh tra, Cục thuế Thành phố đã ra quyết định hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả với Uber B.V, cụ thể phạt tiền về hành vi kê khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp gần 10,3 tỷ đồng, đồng thời truy thu thuế với số tiền gần 51,48 tỷ đồng.
Trong số thuế bị truy thu, có hơn 26,3 tỷ đồng là thuế VAT khấu trừ nộp thay, hơn 14,6 tỷ đồng thuế thu nhập cá nhân khấu trừ nộp thay và gần 10,5 tỷ thuế thu nhập doanh nghiệp với nhà thầu nước ngoài.
Ngoài ra, theo quyết định của Cục Thuế TP HCM, Uber phải nộp thêm số tiền chậm nộp tính đến ngày 31/8/2017 là hơn 4,9 tỷ đồng. Như vậy tổng cộng Uber B.V phải nộp số tiền truy thu, phạt và tiền chậm nộp là hơn 66,68 tỷ đồng.
Cục Thuế TP HCM cũng nêu rõ Uber B.V phải có trách nhiệm tự tính bổ sung tiền chậm nộp từ 1/9 đến thời điểm thực nộp số tiền thuế truy thu và phạt vào ngân sách nhà nước.
Lý do công ty này đã thực hiện hành vi vi phạm hành chính kê khai sai dẫn đến thiếu số thuế phải nộp. "Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được Quyết định này, Công ty TNHH Uber B.V phải nghiêm chỉnh chấp hành quyết định và có trách nhiệm nộp số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt theo quy định vào tài khoản của Cục thuế mở tại kho bạc nhà nước TP HCM. Quá thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được quyết định này mà công ty không chấp hành sẽ bị cưỡng chế thi hành.
Tuy nhiên, trao đổi với VnExpress, ông Nguyễn Nam Bình, Phó cục trưởng Cục Thuế TP HCM cho biết, Uber B.V chưa đồng ý với quyết định này vì họ muốn cơ quan thuế bỏ khoản thuế thu nhập doanh nghiệp với nhà thầu nước ngoài. Bởi theo Uber B.V, khi áp dụng hiệp định tránh đánh thuế hai lần thì họ đề nghị không nộp ở Việt Nam.
"Trong khi đó, Cục Thuế TP HCM đề nghị Uber B.V phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp tại Việt Nam theo hiệp định tránh đánh thuế hai lần. Hiện họ đang làm kiến nghị gửi lên Tổng cục thuế và Bộ Tài chính để xem xét", lãnh đạo Cục Thuế nói và cho biết, riêng với các khoản thuế còn lại như VAT, thu nhập cá nhân khấu trừ nộp thay... thì Uber B.V đã đồng thuận.
Trước đây, lý giải về việc hoạt động tại Việt Nam từ năm 2014 nhưng đến nay mới nộp thuế, ông Damian Kassabgi - Giám đốc Chính sách công, Uber Châu Á - Thái Bình Dương nói: "Uber cam kết tuân thủ thuế tại từng quốc gia mà chúng tôi hoạt động. Tuy nhiên, rất nhiều cơ quan thuế vẫn chưa bắt kịp với công nghệ và mô hình kinh doanh mới như Uber. Công văn mới đây của Bộ Tài chính đã làm rõ nghĩa vụ thuế của Uber tại Việt Nam, điều chưa từng tồn tại trước đây và chúng tôi cam kết sẽ thực hiện đúng".
Ông Damina Kassabgi cũng nhấn mạnh, theo phương án hướng dẫn của Bộ Tài chính, Công ty Uber Việt Nam sẽ thay mặt Uber B.V kê khai và thanh toán thuế cho nhà thầu nước ngoài.
Khác với Grab Taxi, đơn vị cũng hoạt động với mô hình kinh doanh tương tự, trường hợp xác định thuế với Uber lại gây nhiều khó khăn cho cơ quan quản lý hơn. Do Uber Hà Lan không đủ điều kiện nộp thuế Giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ nên Bộ Tài chính cuối cùng đã áp dụng phương pháp tính trực tiếp trên tổng doanh thu. Theo đó, Công ty Uber B.V Hà Lan sẽ được tính thuế Giá trị gia tăng trên doanh thu được hưởng theo tỷ lệ là 3%. Thuế Thu nhập doanh nghiệp trên doanh thu được tính theo tỷ lệ 2%. Với phương án thu thuế này, Uber Việt Nam sẽ nộp thuế thay cho Uber B.V (Hà Lan).
Về phần thuế phải nộp của các tài xế, họ phải nộp theo tỉ lệ 3% đối với VAT và 1,5% đối với thuế thu nhập cá nhân trên doanh thu được hưởng. Khoản thuế này sẽ do Uber Việt Nam kê khai nộp hộ.
Thanh Lê