"Lần thử lửa đầu tiên của Privet-82 diễn ra cách đây không lâu, mục tiêu là một cứ điểm của quân đội Ukraine. Khoảng cách từ điểm xuất phát đến đích là khoảng 12 km. Đây là lần đầu thiết bị của chúng tôi được dùng cho nhiệm vụ chiến đấu và nó đã thành công ngay trận ra quân", Oko, nhóm thiết kế máy bay không người lái (UAV) của Nga, thông báo hôm nay.
Nhóm thiết kế nói rằng UAV được phóng từ hậu phương, sau đó kíp vận hành ở tiền tuyến kết nối để lái nó tới đích. "Công nghệ này giúp máy bay áp sát khu vực mục tiêu mà không cần thu phát tín hiệu vô tuyến, khiến các hệ thống tác chiến điện tử không thể phát hiện và hạn chế khả năng đối phó của đối phương", đại diện Oko cho hay.
Nhà sản xuất khẳng định hệ thống Privet-82 tương đối dễ vận hành, ngay cả với những binh sĩ ít kinh nghiệm. "Trước trận tập kích, người điều khiển phi cơ mới hoàn tất quá trình đào tạo khoảng 5 ngày và có một ngày làm quen với thiết bị. Điều này thể hiện tính đơn giản của Privet-82", nhóm Oko tiết lộ.
Bộ Quốc phòng Nga chưa bình luận về thông tin.
Mỗi chiếc Privet-82 có giá xuất xưởng khoảng 1.450 USD, rẻ hơn nhiều so với mức giá hàng chục nghìn USD/chiếc của dòng Geran-2 Nga và Shahed-136 Iran. Nó được cho là sẽ gây nhiều khó khăn cho hệ thống phòng không của Kiev, nhất là ở khu vực tiền tuyến đang thiếu thốn lưới phòng thủ hiện nay.
Privet-82 có tầm bay 30 km, tốc độ 140 km/h và tải trọng tối đa 5,5 kg. Nó được tối ưu cho nhiệm vụ tấn công cứ điểm kiên cố và phản pháo. Nhiều đơn vị quân đội Nga đề xuất sử dụng mẫu UAV này để săn tìm xe thiết giáp đối phương, nhưng nhà phát triển cần tiến hành thêm nhiều thử nghiệm thực tế.
Oko là tổ chức dân sự mới thành lập tại Nga, quy tụ nhiều tình nguyện viên có kinh nghiệm chế tạo UAV. "Chúng tôi không tham gia vào những hợp đồng mua sắm quốc phòng cấp quốc gia và không có giấy phép chế tạo vũ khí. Privet-82 là máy bay đơn thuần, đầu nổ sẽ được đơn vị vận hành tự lắp đặt. Phi cơ có thể mang nhiều loại vũ khí khác nhau", đại diện Oko cho hay.
Mục tiêu của Oko là khởi động dây chuyền sản xuất hàng loạt, tăng sản lượng đáng kể so với mức 100 chiếc mỗi tháng ban đầu. "Ứng dụng công nghệ dân sự cho phép chúng tôi mở rộng quy mô rất nhanh và bảo đảm khả năng xuất xưởng hàng nghìn UAV mỗi tháng trong vòng vài tháng tới", nhóm thiết kế tiết lộ.
UAV tự sát được thiết kế để mang thuốc nổ lao vào tập kích mục tiêu phía sau phòng tuyến đối phương. Không giống UAV cỡ lớn truyền thống có thể phóng tên lửa, thả bom rồi quay về căn cứ sau khi tập kích, UAV tự sát chỉ tung một đòn tấn công duy nhất.
Loại vũ khí này có kích thước nhỏ, khối lượng nhẹ và dễ dàng triển khai. Chúng rất khó bị các hệ thống radar, cảm biến phát hiện và tạo ra thách thức rất lớn với các hệ thống phòng không Ukraine. UAV tự sát còn được gọi là "đạn tuần kích", do chúng có khả năng quần thảo trong thời gian dài trên bầu trời và chỉ lao xuống tấn công khi xác định được mục tiêu cụ thể.
Vũ Anh (Theo TASS, Reuters)