Ngày 15/8, tại trụ sở TAND tỉnh Cao Bằng, TAND Cấp cao tại Hà Nội mở phiên phúc thẩm xét đơn kháng cáo kêu oan của Hoàng Thị Vấn (49 tuổi) về tội Giết người, theo điều 93 Bộ luật hình sự 1999. Phiên phúc thẩm còn xét đơn kháng cáo nội dung bản án sơ thẩm của những người đại diện hợp pháp của bị hại, trong đó có chồng, con bị hại và đồng thời là bố chồng, chồng của bị cáo Vấn.
Vụ án xảy ra từ năm 2012 và đây là lần xét xử thứ 6. Tại ba phiên sơ thẩm, Vấn đều bị TAND tỉnh Cao Bằng tuyên án tù chung thân. Hai lần phúc thẩm vào các năm 2013 và 2016, TAND cấp cao tại Hà Nội đều tuyên hủy bản án sơ thẩm, trả hồ sơ cho VKS yêu cầu điều tra lại.
Nữ bị cáo có 13 luật sư đến từ Đoàn luật sư thành phố Hà Nội đăng ký tham gia bào chữa song chỉ có 5 người có mặt vào ngày 15/8. Năm điều tra viên của cơ quan cảnh sát điều tra, một cán bộ phòng kỹ thuật hình sự - Công an tỉnh Cao Bằng và hai kiểm sát viên bị triệu tập đến toà.
Từ sáng sớm, hơn 30 cảnh sát cơ động bảo có mặt từ cổng đến trong phòng xử để bảo vệ phiên toà. Những người bị triệu tập gồm nhân chứng, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan phải qua một vòng kiểm tra an ninh và ngồi theo sơ đồ được HĐXX bố trí trước.
Mở đầu phiên xử, chủ toạ phiên toà cho biết, Vấn liên tục kháng cáo kêu oan trong nhiều năm vì cho rằng không giết mẹ chồng Triệu Thị Tiền.
Trả lời thẩm vấn trước toà, bị cáo thừa nhận có nhiều lời khai khác nhau trong sáu năm qua. Có thời điểm, Vấn còn khai bố chồng mình là nghi phạm tuy nhiên đều khai theo hướng dẫn của điều tra viên chứ không có căn cứ.
Theo cáo trạng, khoảng 6h ngày 5/2/2012 Vấn ngủ dậy, đi từ tầng hai ra khu vực sau nhà tại phường Đề Thám, thành phố Cao Bằng thì gặp mẹ chồng là bà Tiền. Khi đứng nói chuyện tại đây, bà Tiền khuyên Vấn đẻ thêm để có con trai.
Vấn sau đó cãi lại nên bị mẹ chồng tát một cái. Bực tức, Vấn đi lấy búa đinh gây án. Vấn vứt hung khí gây án, lau sạch vết máu trên nền nhà và kéo thi thể bà Tiền giấu vào chỗ để đồ cũ trong nhà. Sau khi giết, giấu xác mẹ chồng, Vấn dùng dao gọt hoa quả tự gây ra vết thương trên đầu mình nhằm đánh lạc hướng điều tra.
Phủ nhận cáo trạng, tại phiên toà phúc thẩm lần thứ ba này, Vấn khai sáng 5/2/2012 khi xuống nhà dưới đã bị một người đàn ông lạ mặt núp sau két sắt xông ra dùng dao tấn công. Người này sau đó cướp tiền của bị cáo đang cầm trên tay rồi tẩu thoát. Lúc này, Vấn không biết bà Tiền bị giết chết, giấu xác.
Hung thủ vừa tẩu thoát thì chồng Vấn từ trên gác chạy xuống. Vấn sau đó được đưa đi sơ cứu vết thương còn mọi người ở nhà tìm thấy thi thể bà Tiền.
Vấn khai những tình tiết trong cáo trạng là do "tự nghĩ ra" và khi bị bức cung đã "nhận tội cho qua chuyện và chờ ngày xét xử để kêu oan".
Được triệu tập tới toà với tư cách là người đại diện hợp pháp của bị hại, anh Nguyễn Duy Chiến (chồng của bị cáo) khẳng định, hôm xảy ra vụ án có người đột nhập nhà mình. “Chính tên trộm là người ra tay giết bà Tiền (mẹ tôi) chứ không phải Vấn”, anh Chiến nói.
VKS đề nghị huỷ bản án sơ thẩm, điều tra lại vụ án
Đại diện VKSND cấp cao tại Hà Nội cho rằng, căn cứ duy nhất đến lúc này để kết tội bị cáo là biên bản khám nghiệm hiện trường tuy nhiên đã có dấu hiệu bị tẩy xoá. Chồng chị Vấn cho rằng, bờ tường nhà anh có “vết trượt dài còn mới” nhưng ở biên bản khám hiện hiện trường lại ghi “không còn mới”. Theo đại diện VKS, từ "không" ở đây là bị điền thêm. Tuy nhiên, chưa xác định biên bản bị điền thêm lúc nào.
Đại diện VKS nhận thấy cần giám định lại biên bản khám nghiệm hiện trường xem bị tẩy xoá từ bao giờ. Nhận thấy "chưa đủ điều kiện để kết luận vụ án", VKS đề nghị HĐXX huỷ án sơ thẩm điều tra lại.
Năm luật sư của bị cáo Vấn tại phiên toà đều đồng tình với lập luận của đại diện VKS và đề nghị HĐXX tuyên bị cáo vô tội ngay tại toà.
Luật sư Nguyễn Chiến cho rằng chưa có đủ căn cứ kết tội cho bị cáo. Trong vụ án, nguyên tắc suy đoán vô tội và áp dụng sự thật khách quan đã bị vi phạm bởi một số dấu vết phạm tội bị đưa ra ngoài hồ sơ.
Luật sư Nguyễn Đắc Thực cho hay, kết quả của Viện khoa học hình sự (Bộ Công an) không phát hiện các dấu vết của Vấn tại hiện trường. Bởi vậy, việc cáo buộc phạm tội là không có căn cứ.
Theo luật sư Thực, một trong những bằng chứng cáo buộc thân chủ của ông là biên bản hiện trường. Tuy nhiên, biên bản này có dấu hiệu bị làm sai lệch như sửa, thêm từ. Trong biên bản khám nghiệm tử thi, bà Tiền bị một vết thương quanh vùng mắt nhưng 6 năm điều tra, cảnh sát chưa làm rõ được vấn đề này. Một trong những chi tiết quan trọng là dấu vân tay của bà Vấn, cơ quan điều tra cũng chưa phát hiện tại hiện trường.
Phiên toà tiếp tục vào sáng mai, 16/8.