Vợ chồng Mark và Mary Beth Harshbarger kết hôn năm 2001, sống cùng hai con nhỏ ở vùng nông thôn phía đông Pennsylvania, Mỹ. Cả hai đều thích hoạt động ngoài trời, là thành viên của một câu lạc bộ bắn súng vào các mục tiêu cách xa hàng trăm mét và có một bộ sưu tập súng trường.
Tháng 9/2006, gia đình nhỏ cùng em trai của Mark tên Barry tới Newfoundland, Canada để đi săn. Họ tận hưởng cuộc vui khi Mark bắn trúng một con gấu đen và cả nhóm săn được vài con tuần lộc. Bi kịch xảy ra vào ngày thứ sáu của chuyến đi, hôm 14/9/2006.
Barry đi săn một mình ở nơi khác ngay trước chập tối. Mark và hướng dẫn viên tên Lambert Greene vào khu rừng gần đó để xua các con thú trong khi Mary chờ đợi với khẩu súng trường trên sàn xe bán tải. Hai đứa trẻ được giữ an toàn trong buồng lái.
Xong việc, Mark quay trở lại xe, Lambert dừng lại đi vệ sinh trong rừng. Bỗng Lambert nghe thấy tiếng súng nổ, sau đó là tiếng hét lớn. Anh đoán họ đã bắn một con nai sừng tấm hoặc một con gấu. Tuy nhiên, khi tiến lại gần hơn, Lambert thấy Mark nằm úp mặt xuống đất, người bê bết máu. Lambert bị sốc khi nhận ra Mark đã chết vì viên đạn trúng ngực.
Hướng dẫn viên đứng dậy nhìn về phía xe tải. Lúc đó, Mary đang đứng bên cạnh xe. Anh hét lên: "Cô đã bắn súng phải không?". Nhận được câu trả lời khẳng định, anh hỏi tiếp: "Cô đã bắn vào cái gì?". "Tôi bắn một con gấu. Đã trúng nó chưa?", Mary hỏi lại. Lambert nói: "Không. Cô bắn trúng Mark rồi".
Mary trở nên cuồng loạn, gào khóc nức nở. Lambert kéo cô vào xe tải và đi đón Barry, để thi thể Mark nằm đó.
Mary sau đó nói nhìn thấy chuyển động và nghĩ đã phát hiện một con gấu trong ống ngắm, nổ súng từ khoảng cách 60 m. Mary khẳng định với Cảnh sát Kỵ binh Hoàng gia Canada (RCMP) rằng nghĩ mình đang bắn một con gấu đen chứ không phải chồng. "Tôi nhìn thấy chuyển động bằng mắt thường, kính ngắm của tôi phóng to nó và tôi nhìn thấy đó là một con gấu. Tôi nghĩ do trời quá tối", Mary nói trong cuộc thẩm vấn vài giờ sau vụ việc.
Lời khai của Mary không thuyết phục được gia đình Mark. Họ cho rằng việc Mark bị bắn chỉ cách 60 m trong khu vực trống là không hợp lý và không giống một tai nạn.
Anh trai của Mark, Dean, từng sống với cặp đôi một thời gian ngắn, mô tả Mary là người thích kiểm soát và bạo lực thể xác, đôi khi tát chồng chảy máu môi, dọa giết.
Các thành viên khác tố Mary lôi kéo Mark xa rời gia đình. Theo họ, Mary được chẩn đoán mắc chứng rối loạn lưỡng cực, thường nổi cơn tam bành và thích tiêu xài hoang phí. Khoảng một năm trước khi Mark qua đời, tình hình trở nên tồi tệ đến mức cô phải vào một cơ sở tâm thần theo gợi ý của Mark. Gia đình tin rằng Mary chưa bao giờ tha thứ cho chồng vì điều này.
Bên cạnh đó, chỉ 5 tháng trước bi kịch, hai vợ chồng tăng tiền bảo hiểm nhân thọ của Mark thêm 500.000 USD.
Lời kể từ gia đình Mark hoàn toàn trái ngược với những gì Mary mô tả. "Chúng tôi có một cuộc sống hoàn hảo, một cuộc hôn nhân hoàn hảo, một gia đình hoàn hảo", cô nói với các điều tra viên về quan hệ giữa hai vợ chồng. "Tôi rất yêu anh ấy. Anh ấy là tất cả với tôi. Tôi nóng lòng đợi anh ấy đi làm về. Đó là lý do tôi sống".
Mary được cảnh sát Canada cho phép trở về nhà ở Pennsylvania. Barry cố gắng an ủi chị dâu đang đau buồn và bắt đầu xuất hiện thường xuyên hơn để giúp chăm sóc bọn trẻ. Cuối cùng, anh ta bỏ vợ, chuyển đến sống với Mary khi cả hai nảy sinh tình cảm. Vì điều này, Mary bị đồn đoán hại chết chồng vì tư tình với em chồng.
Barry tin rằng cái chết của anh trai là tai nạn, nhưng những người còn lại trong gia đình không hoàn toàn tin tưởng. Dean đề nghị Cảnh sát Bang Pennsylvania hỗ trợ điều tra. Cảnh sát thu thập thông tin gửi cho RCMP, bao gồm bằng chứng về vụ bắt giữ Mary vì tội hành hung năm 1992.
Tháng 4/2008, hai năm sau vụ nổ súng, chính quyền Canada đệ đơn tố cáo Mary về tội vô ý làm chết người. Các công tố viên không cáo buộc Mary cố ý bắn Mark, nhưng lập luận rằng cô phải chịu trách nhiệm hình sự vì đã bóp cò khi trời quá tối, không đủ điều kiện để bắn.
Mary chống lại lệnh dẫn độ trong hai năm, nhưng cuối cùng vẫn bị đưa đến Canada vào tháng 5/2010. Nếu bị kết án, Mary phải đối mặt với mức án tối thiểu là 4 năm tù.
Trong phiên tòa xét xử, luật sư bào chữa lập luận rằng vào đêm xảy ra vụ việc, Mark đã "vô tình thể hiện những đặc điểm của một con gấu" bằng cách mặc quần áo tối màu, không mặc áo bảo hộ màu cam của thợ săn và đi ra khỏi một vùng cỏ cao.
Cảnh sát tiến hành hai lần tái hiện hiện trường, nói rằng thứ họ nhìn thấy qua ống ngắm súng trường của Mary là một "khối đen lớn" và cho rằng "có thể" cô thật sự nghĩ mình đang nhắm vào một con gấu.
Bên công tố lập luận rằng Mary biết chồng đang ở trong khu rừng đó và có thể đi ra bất cứ lúc nào trong bộ quần áo tối màu. Một sĩ quan RCMP làm chứng rằng không thể hiểu tại sao Mary lại quyết định nổ súng trong điều kiện trời tối. Nhân viên tại khu săn bắn cho biết thợ săn được dạy rằng không được nổ súng trừ khi hoàn toàn chắc chắn về mục tiêu của mình và không nên xác định đối tượng bằng kính ngắm súng trường.
Kết quả khám nghiệm tử thi cho thấy Mark rất có thể đã nghiêng về phía trước hoặc khom người khi bị trúng đạn. Vấn đề về tư thế của nạn nhân có ý nghĩa quan trọng đối với phiên tòa vì Mary luôn khẳng định cô nghĩ chồng là một con gấu đen.
Cuối cùng, thẩm phán tuyên Mary trắng án, cho rằng lời giải thích về con gấu đen là hợp lý. "Mọi người không thể lúc nào cũng hành động hoàn hảo, ngay cả khi mọi người hành động hợp lý, tai nạn không may vẫn có thể xảy ra", thẩm phán nói.
Mary được tự do trở về nhà vào tháng 11/2011. Nhưng trong khi cô bị giam giữ ở Canada, Barry đã chạy theo một phụ nữ khác.
Gia đình Mark vẫn tin rằng họ không nhận được công lý.
Vụ nổ súng được tái hiện trong các phim tài liệu như The Fifth Estate: Til Death Do Us Part (2011), Dateline: Unforgettable - Out of the Darkness (2022).
Tuệ Anh (Theo Oxygen, CBC News, The Telegram)