Hè 2002, TAND thành phố Nghi Xương, tỉnh Hồ Bắc gửi thông báo cho gia đình Đường Kiến Mẫn về việc anh ta đã bị xử tử vì tội cướp của, yêu cầu gia đình đến nhận thi thể. Bố Mẫn không tỏ ra bất ngờ cũng không có vẻ đau buồn, chỉ nói không muốn đi nhận thi thể con.
Theo phán quyết của tòa, tối 30/9/2000, Mẫn bám theo một phụ nữ trên đường phố Nghi Xương để cướp điện thoại di động và ví. Sau đó, Mẫn liên tục gây án, cướp ba phụ nữ và đâm trọng thương hai người. Hắn còn nhiều lần liên lạc với một nạn nhân, ý đồ lừa đảo, tống tiền. Mẫn bị bắt ngày 19/8/2001.
Ở phiên tòa sơ thẩm ngày 5/3/2002, Mẫn bị kết án tử hình về tội cướp của, lừa đảo và tống tiền. Mẫn kháng cáo nhưng bị Tòa án tối cao tỉnh Hồ Bắc bác đơn. Bản án được thi hành vào ngày 6/6/2002.
Không ngờ hơn một tháng sau, kẻ tưởng đã bị xử bắn ở Nghi Xương lại trở về quê nhà.
Mẫn 30 tuổi, quanh năm làm thuê ở tỉnh khác. Vì bất hòa với bố, Mẫn không nói cho gia đình biết mình đi đâu, cũng không để lại thông tin liên lạc. Tháng 7/2002, Mẫn từ Bắc Kinh về đến cổng làng, bị mọi người nhìn với ánh mắt "như thấy quỷ".
Mẫn khẳng định chưa bao giờ đến Nghi Xương và không làm chuyện trái pháp luật. Gia đình Mẫn biết vụ án có thể có vấn đề nhưng chưa từng tìm đến bất kỳ cơ quan nào để làm rõ chân tướng.
Mãi đến ba năm sau, do gặp nhiều trở ngại khi làm việc vì hộ khẩu bị hủy, Mẫn mới đến tòa án yêu cầu khôi phục hộ khẩu. Anh ta nói bị mất thẻ căn cước từ nhiều năm trước, "có khả năng bị em họ Trương Văn Hoa sử dụng danh tính". Hoa là em họ Mẫn, sống ở Tương Dương (Hồ Bắc), đôi bên đã nhiều năm không qua lại.
Từ manh mối này, nhà chức trách xác nhận kẻ bị xử bắn năm 2002 là Trương Văn Hoa, tội phạm giết người chạy trốn. Tuy nhiên thông tin này không được công khai.
Theo hồ sơ, ngày 26/7/1997, thi thể một nam thanh niên được tìm thấy trong ao ở quận Tương Châu, thành phố Tương Dương. Nạn nhân tử vong do bị siết cổ.
Ngày 30/7, bốn người đàn ông đến đồn cảnh sát trình báo và nhận dạng thi thể. Nạn nhân được xác định là Lý Tuấn, 23 tuổi, nhân viên phòng an ninh của bệnh viện thành phố.
Bốn người khai rằng Tuấn bị bạn là Trương Văn Hoa, 25 tuổi, sát hại. Chính Hoa gọi điện cho họ sau khi bỏ trốn, thú nhận cùng một người tên Từ Hạo sát hại Tuấn rồi vứt xác để "rèn luyện lòng gan dạ".
Hạo là bạn học cấp hai của Hoa và là giáo viên dạy nhạc tại trường tiểu học. Hoa kinh doanh sản phẩm giấy nên từng nhiều lần đề nghị gửi hàng đến trường học bán nhưng bị Hạo từ chối.
Trong thời gian truy tìm nghi phạm, cảnh sát nhận được hai "thư tố cáo" từ Hoa. Thư viết, vào khoảng 21h ngày 24/7, khi ba người đang uống rượu tại nhà Hoa, Tuấn bị Hoa ôm chặt để Hạo dùng dây siết cổ. 20 phút sau, Hạo lấy búa đập vào đầu Tuấn. Sau đó, cả hai lái xe máy đi phi tang thi thể. Hạo dùng dao hủy hoại khuôn mặt nạn nhân rồi vứt quần áo, hung khí xuống lề đường. Cả hai bỏ xe lại một tiệm sửa xe máy ở thành phố Tảo Dương rồi bắt xe buýt về nhà. Hai "thư tố cáo" còn vẽ ghi chú nơi vứt xác và nơi bỏ xe máy.
Hoa đẩy trách nhiệm chính trong việc giết người và tiêu hủy thi thể cho Hạo. Về tung tích của mình, Hoa nói: "Tôi đã phạm tội ác tày trời, mấy đêm liền không thể chợp mắt, lương tâm cắn rứt. Khi các anh nhìn thấy tôi, tôi đã nhảy xuống sông chết đuối hoặc đã uống thuốc ngủ chết trên núi".
Tuy nhiên thực tế, Hoa không hề tự tử mà trốn đến Nghi Xương gần đó tiếp tục phạm tội cho đến khi bị bắt. Cảnh sát tìm thấy một thẻ căn cước tên "Đường Kiến Mẫn" trên người hắn. Hắn cũng tự nhận là Mẫn, quê tỉnh Hà Nam. Theo thông tin trên thẻ căn cước, cảnh sát gửi văn bản đến nơi đăng ký hộ khẩu của Mẫn, xác nhận có người này ở địa phương. Sau đó, họ chuyển nghi phạm cho cơ quan tư pháp.
Hoa bị xử bắn dưới tên anh họ, không khai ra tên thật cho đến giây phút cuối cùng. Điều này khiến tội giết người của hắn không bị pháp luật truy cứu. Cái chết của Hoa còn khiến Hạo - người bị hắn "tố cáo" - không còn ai để đối chất. Trong lúc Hoa bỏ trốn, Hạo bị bắt, bị kết tội giết người và nhận án tử hình treo. Suốt nhiều năm, Hạo và gia đình không ngừng kêu oan.
Năm 1997, cảnh sát coi hai bức "thư tố cáo" của Hoa là manh mối quan trọng để phá án. Khoảng 22h ngày 30/7/1997, Hạo, 22 tuổi, bị bắt tại nhà.
Trong nửa tháng sau khi bị bắt, Hạo khai tổng cộng ba lần, thừa nhận hành vi giết người. Anh ta nói Hoa có ý định giết người vì mâu thuẫn với Tuấn khi mua dâm, anh ta tham gia gây án vì "có quan hệ tốt với Hoa" và muốn chia tiền bán xe máy.
Một năm sau, tại phiên tòa ngày 9/12/1998, Hạo rút lại lời thú tội. Anh ta nói ở cùng một phụ nữ vào đêm xảy ra án mạng, sau khi bị bắt, anh ta bị ép cung, những lời thú tội trước đó "đều được đội cảnh sát hình sự viết sẵn, không ký không được". Đội trưởng Đội cảnh sát hình sự thành phố Tương Dương phủ nhận tra tấn bức cung Hạo.
Sau hai phiên xét xử, công tố viên đề nghị rút hồ sơ truy tố. Ngày 19/3/1999, tòa ra phán quyết cho phép VKS rút hồ sơ truy tố do không đủ bằng chứng. Tuy nhiên, chỉ một tháng sau, công tố viên lại khởi tố dù không bổ sung thêm bằng chứng mới nào.
Ngày 19/4/1999, trong phiên xét xử thứ ba, tòa án dùng hai "thư tố cáo" của Hoa làm bằng chứng chính, tuyên Hạo phạm tội cố ý giết người và kết án tử hình treo.
Theo phán quyết, Hoa nảy ý đồ sát hại Tuấn do mâu thuẫn khi cùng mua dâm. Khoảng 8h ngày 24/7/1997, nghe Hoa rủ cùng giết Tuấn, Hạo lập tức đồng ý. Hai người bàn nhau chuốc say Tuấn rồi ra tay. Khoảng 21h hôm đó, cả hai lừa Tuấn đến nhà ăn uống, Hoa ôm Tuấn từ phía sau để Hạo lấy dây thừng đã chuẩn bị sẵn... Sau khi gây án, cả hai cùng đi phi tang thi thể.
Những tình tiết trong phán quyết có sự sai lệch với "thư tố cáo" của Hoa, như việc Hoa là người cầm búa đập vào đầu Tuấn chứ không phải Hạo.
"Công tố viên cho rằng bị cáo không thể chứng minh được mình không phạm tội, vì vậy lượng lớn bằng chứng do công tố viên đưa ra đã chứng minh bị cáo có tội", luật sư bào chữa của Hạo nói điều này hoang đường đến nực cười. Ông cho rằng việc kết tội Hạo cố ý giết người "thiếu cả bằng chứng trực tiếp và bằng chứng gián tiếp, không thể tạo thành chuỗi bằng chứng".
Luật sư chỉ ra rằng hai "thư tố cáo" Hạo được Hoa viết trong quá trình bỏ trốn có nhiều điểm bất hợp lý. Đồng thời, vụ án không có vật chứng nào liên kết với Hạo. Nhà chức trách chỉ tìm thấy một vỏ dao, không có dấu vân tay của Hạo trên đó, dấu chân ở hiện trường vứt xác cũng không thuộc về Hạo, các hung khí khác và quần áo dính máu cũng không thấy.
Tòa án nhận định Hoa và Hạo đã bỏ lại chiếc xe máy chở thi thể tại tiệm sửa xe của Lý Phong ở Tảo Dương. Nhưng trong hai lần nhận dạng vào 31/7 và 3/8/1997, Phong không nhận ra Hạo, chỉ nhận ra Hoa qua ảnh. Đến 31/12, năm tháng sau vụ việc, Phong lại nói nhận ra Hạo. Theo luật sư, lời làm chứng của Phong không có sức thuyết phục.
Sau khi tuyên án, Hạo kiên quyết không nhận tội và kháng cáo. Ngày 25/6/1999, tòa phúc thẩm tuyên bố giữ nguyên bản án.
Ngày 28/5/2003, sau hơn hai năm thử thách, tòa ra phán quyết giảm án cho Hạo xuống tù chung thân; đến năm 2006 tiếp tục giảm xuống 20 năm tù. Hạo vẫn một mực không nhận tội, thậm chí xé giấy quyết định.
Mẹ Hạo, bà Triệu Khắc Phượng, nhiều năm đi tìm công lý cho con. Chồng bà qua đời năm 2004 ở tuổi 65 sau khi bị xuất huyết não vì quá đau buồn. Một mình bà chạy đến các cơ quan tư pháp xin xét xử lại, với niềm tin "Con trai tôi không giết ai cả".
Sau cái chết của cha, Hạo mắc bệnh tâm thần, được xác nhận không thể chấp hành án phạt, nhưng vì không nhận tội nên mãi không được đưa khỏi nhà tù.
Gia đình Hạo không hay biết việc Hoa đã bị xử bắn dưới danh tính của Mẫn. Họ luôn nghĩ rằng Hoa đang lẩn trốn đâu đó, chỉ cần tìm thấy hắn, họ có thể giải oan cho Hạo. Trong mấy năm qua, bà Phượng gần như đi khắp Trung Quốc để tìm kiếm Hoa.
Đến năm 2008, bà Phượng mới được biết tin Hoa đã chết dưới tên Đường Kiến Mẫn từ Diêu Gia Liên, Phó bí thư Ủy ban Chính trị Pháp luật thành phố Tương Dương. Ông Diêu được cho là tiết lộ "bí mật" này khi sắp nghỉ hưu vì cảm thông trước nỗ lực hơn 10 năm đấu tranh cho con của bà.
Bà Phượng lập tức cùng luật sư đến quê nhà Mẫn tìm hiểu, thu thập bằng chứng rồi phản ánh "Đường Kiến Mẫn thực sự chưa bị xử tử" lên viện kiểm sát. Sau khi xem xét hồ sơ và thẩm vấn các điều tra viên, họ xác nhận người bị xử tử thực chất là Trương Văn Hoa.
Như vậy, bảy năm sau khi tử tù Trương Văn Hoa bị xử tử, vào năm 2009, VKSND tỉnh Hồ Bắc mới xác nhận danh tính thực sự của hắn.
"Tôi không giết ai cả. Tôi biết vụ án của tôi không dễ sửa đổi, tôi cũng không muốn thêm phiền cho thẩm phán. Xin thẩm phán của Tòa án tối cao tỉnh tuyên án tử hình, lập tức thi hành cho tôi, như vậy thì mẹ tôi không cần kêu oan nữa", Hạo viết trong thư ngày 24/8/2009.
Tháng 9/2011, vụ án của Hạo thu hút sự chú ý rộng rãi của truyền thông, các chuyên gia pháp lý kêu gọi xét xử lại vụ án, nhưng không có chuyển biến gì.
Bà Phượng cho biết cơ quan chức năng hứa chỉ cần Hạo viết đơn nhận tội, sẽ có cách thả anh ta ngay lập tức. Năm 2013, thương mẹ, Hạo ký vào bản thú tội do mẹ chuẩn bị, nhưng đổi lại chỉ được giảm 7 tháng tù.
Tháng 6/2016, sau gần 20 năm nỗ lực khiếu nại của gia đình Hạo, VKSND Tối cao chỉ đạo VKS tỉnh Hồ Bắc điều tra lại vụ án. Tháng 10/2016, một luật sư tham gia điều tra tiết lộ với báo chí rằng có những vấn đề lớn về bằng chứng trong vụ án của Hạo, cần tái thẩm tra xử lý.
Tuy nhiên đến nay chưa có phương tiện truyền thông nào đưa tin về tiến triển của vụ án.
Tuệ Anh (Theo Xinkuaibao, ShandongTV, Beijing Shijian)