Là người phụ nữ nổi tiếng với những món nghề thêu may truyền thống, gần 30 năm qua bà Nguyễn Thị Kim Chi - Giám đốc HTX Thêu May Kim Chi đã tạo việc làm và dạy nghề miễn phí cho hơn 4.000 lao động nữ tại An Giang, mang đến nhiều thay đổi tích cực hơn trong cuộc sống của phụ nữ tỉnh này.
Kể từ khi hợp tác xã chính thức đi vào hoạt động, bà đã chủ động liên hệ với Hội người Khuyết tật và các địa phương để tổ chức dạy nghề, tạo việc làm và thu nhập chính cho nhiều chị em vùng sâu, người dân tộc. Bên cạnh tạo việc làm, chị còn hỗ trợ chỗ ở miễn phí hoặc hỗ trợ tiền thuê nhà để đảm bảo thu nhập, giúp các chị em tích luỹ được nhiều hơn. Nhờ sự giúp đỡ của chị, hơn 1.000 phụ nữ đã có việc làm ổn định với thu nhập trung bình khoảng 3 triệu đồng một tháng. Cuộc sống của hàng nghìn phụ nữ An Giang đã thay đổi tốt đẹp hơn kể từ khi được bàn tay chị giúp đỡ.

Ngoài đời sống vật chất, bà còn chăm lo đời sống tinh thần của các chị em. Những buổi nói chuyện chuyên đề cùng báo cáo viên luôn được tổ chức thường xuyên tại hợp tác xã về vấn đề phòng chống tệ nạn xã hội, bình đẳng giới, phòng chống biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường... dành cho các chị em người dân tộc và vùng sâu vùng xa. Hoạt động này không chỉ mang ý nghĩa nâng cao kiến thức, trình độ dân trí của người lao động mà còn là “vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam”. Bà luôn mong muốn giúp các chị em có thêm kỹ năng để tự tin, chăm sóc gia đình và chính mình tốt hơn.
Ít ai biết, bà là người đầu tiên thành công “Áp dụng sáng kiến thêu mới phát triển sản xuất kinh doanh”, giúp nâng cao năng suất lao động của nhiều chị em phụ nữ. Bà đã dành tất cả số tiền thưởng từ dự án này cho việc mở rộng kinh doanh và mở thêm nhiều lớp dạy nghề miễn phí cho hàng trăm phụ nữ Chăm, lao động vùng biên giới và người khuyết tật trong tỉnh. Bà chia sẻ: “Các lớp dạy nghề miễn phí chính là chương trình thiết thực nhất giúp triển và nâng cao đời sống của các chị em phụ nữ”.
Với nhiều đóng góp “vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam”, bà Nguyễn Thị Kim Chi đã được bình chọn và trở thành chủ nhân của giải thưởng doanh nhân trong chương trình “Phụ nữ tự tin tiến bước” do Trung ương hội LHPN Việt Nam phối hợp cùng Công ty P&G Việt Nam - nhãn hàng Arielvà Saigon Coop tổ chức. Bà Mong muốn: “Với số tiền thưởng từ chương trình này, tôi sẽ bước đầu triển khai mô hình dự án mới, xây dựng văn hoá truyền thống kết hợp với du lịch để phát triển kinh tế cộng đồng dân tộc Chăm, tạo thêm nhiều việc làm cho chị em phụ nữ tại làng Chăm Đa Phước - An Giang”.
Thư Kỳ