Trải qua đại dịch, thấy cha mẹ già, con nhỏ thường xuyên cần đưa đón trong khi vợ bận kinh doanh, ông Phạm Văn Biển, 52 tuổi, nghĩ đã đến lúc cần dành nhiều thời gian hơn cho gia đình.
Bảy năm trước đó, ông thường công tác ở Đà Lạt. Thấy những trang trại trồng rau thủy canh sạch, bạt ngàn mà quê mình chưa có, ông ấp ủ giấc mơ khởi nghiệp từ nghề này.
Những chuyến công tác sau đó, ông thường ghé các nông trại trồng rau thủy canh ở Đà Lạt, TP HCM học hỏi kinh nghiệm, đọc thêm sách vở. Ông lên kế hoạch dự trù vốn, thuê nhân công, tìm kiếm đầu ra và học kỹ thuật.
Phấn đấu nửa đời người mới được vị trí nhiều người mong ước, thu nhập ổn định, khi ông Biển chấp nhận bỏ ngang, nhiều người "mắng" là dại. "Nhưng tôi làm mãi công việc lặp lại hàng chục năm trời rồi. Nếu không thay đổi, biết đến khi nào", ông nói.
Vườn cây ăn trái rộng 1.200 m2 của gia đình, cách nhà 11 km, được ông chủ chặt bỏ, thay bằng hệ thống trồng rau thủy canh, nhà kính.
Sau hai năm làm nông dân, trải qua nhiều biến cố, sản phẩm rau thủy canh của ông Biển có mặt ở hầu khắp các siêu thị trên địa bàn tỉnh Cà Mau, cho lợi nhuận khoảng 500 triệu đồng mỗi năm.
Từng làm nhiều nghề để mưu sinh như phụ bán cà phê, thợ hồ, sơn nước, làm cửa sắt, cửa nhôm, uốn tóc, ông Dương Thanh Long, quê Quảng Ngãi thấy tuổi già sắp ập đến nhưng chưa làm được gì có ý nghĩa. Năm 2019, ở tuổi 54, ông vay bạn bè mở một quán cafe ở TP HCM khởi nghiệp.
Nhưng quán vừa mở cửa thì dịch Covid-19 ập đến. Không để những nỗ lực ban đầu sụp đổ, ông cố gồng gánh. "Nhưng càng gồng càng lỗ, số nợ đã lên đến hơn 400 triệu đồng", ông Long kể. Con gái khuyên ông về quê, hàng tháng sẽ biếu tiền.
Trong hai năm về quê, ông từng đến Huế, thưởng thức món cà phê muối. Thấy món lạ ngon miệng, ông lên mạng tham khảo cách chế biến, tự gia giảm thêm theo sở thích. Được người thân khen ngon, người đàn ông quyết định trở lại Sài Gòn tái khởi nghiệp.
"Con mình con gái, nhà cửa không, gia đình cũng không, tuổi già sắp đến, không thể ăn bám con được", người cha tự nhủ. Về TP HCM, thấy những xe đẩy cà phê bán dạo lề đường, ông Long học theo.
Nhờ có nghề làm cửa sắt, ông Long tự làm một xe đẩy, nhờ bạn dựng cho tấm biển quảng cáo. Đầu năm 2023, ông bắt đầu lần thứ hai tự làm ông chủ. Ngày đầu tiên, ông bán được 30 ly, ngày thứ hai được 100 ly, ngày thứ ba hết 500 ly và những ngày sau đó là đều đặn 1.000 ly.
Hiện tại, thương hiệu cà phê muối của ông Long có 35 điểm bán ở nhiều tỉnh thành như Bình Phước, Đồng Nai, Cần Thơ, Vĩnh Long, Bình Thuận.
Ông Trương Xuân Cừ, phó chủ tịch Hội người cao tuổi Việt Nam cho biết phong trào khởi nghiệp của những người U60, thậm chí cao hơn đang tăng trưởng mạnh. Thống kê của Hội năm 2023 ghi nhận cả nước có hơn 220.000 người cao tuổi làm chủ các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Trong đó, hơn 50% là những người ở độ tuổi 60-69. Ở độ tuổi 70-79, con số này là 19,4%.
Thống kê trên không bao gồm người đang làm các công việc như chăm sóc cháu nhỏ, vườn tược, các công tác xã hội tình nguyện tại địa phương.
Theo ông Cừ, tốc độ già hóa dân số ở Việt Nam đang diễn ra nhanh chóng. Vì vậy, người cao tuổi tham gia vào lực lượng lao động sẽ giảm gánh nặng an sinh xã hội, góp phần quan trọng vào phát triển đất nước.
Việt Nam bắt đầu giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011 với số người cao tuổi trên 65 tuổi chiếm 7% tổng dân số. Sau 10 năm, tỷ lệ này là 8,3%, tương đương 8,16 triệu người. Dự báo, số này tăng lên 16,8 triệu vào năm 2039 và 25,2 triệu vào năm 2069.
Ông Cừ cho rằng những người khởi nghiệp ở tuổi U60 có nhiều lợi thế về kinh nghiệm chuyên môn, kinh nghiệm sống và có thể phát huy tốt trí tuệ khi khởi nghiệp. Làm chủ, họ cũng là tấm gương cho lớp trẻ, có uy tín khi quản lý.
Ông chủ chuỗi cà phê muối Dương Thanh Long thừa nhận sau một năm khởi nghiệp, ông thấy tài sản quý giá nhất có được ở độ tuổi 60 chính là trải nghiệm. Học xong lớp 9, ông rời quê lên Sài Gòn mưu sinh, ba năm liền phụ người cô bán cà phê. 40 năm sau đó, ông bươn chải đủ nghề mưu sinh nuôi con gái. Những năm tháng tuổi trẻ rèn cho ông sự cẩn trọng, tỉ mỉ, điều đặc biệt quan trọng khi làm dịch vụ ăn uống.
Bà Lê Thị Việt, 66 tuổi, ở Nông Cống, Thanh Hóa quyết định khởi nghiệp từ nghề ướp hoa bất tử, với số vốn 20 triệu đồng khi bước sang tuổi 51. Trước đó 5 năm, bà sang Thái Lan làm giúp việc kiếm tiền trả nợ cho gia đình, sau đó nhờ chủ nhà mà học được nghề ướp hoa bất tử.
Cũng như ông Long, bà Việt cho rằng những cơ cực đời người, tủi nhục khi sống xa xứ chính là trải nghiệm giúp bà khởi nghiệp thành công. "Tôi không còn bồng bột, nóng lòng như người trẻ. Tôi quyết tâm nhưng bước từ từ", bà nói.
Ban đầu về quê, bà Việt chỉ ướp 5 bông hoa, chạy xe lên TP Thanh Hóa nhờ một cửa hàng bán giúp với giá 160.000 đồng một bông, trong đó trả họ 70.000 đồng. Thấy hàng bán được, bà dần tăng số lượng, chào bán rộng hơn ra Hà Nội, Nghệ An, Hạ Long. Ban đầu một tháng bà làm vài chục bông, rồi lên hàng trăm. Hiện nay, mỗi tháng bà xuất ra thị trường hơn 5.000 bông hoa.
Năm nay, bà sang Thái Lan nhập thêm giống hoa súng về trồng trong vườn nhà làm nguyên liệu. Trung bình mỗi năm, doanh thu từ nghề ướp hoa của ông bà trên một tỷ đồng, lợi nhuận 700 triệu đồng.
Không biến mình thành gánh nặng, ngược lại, giống như ông Biển, ông Long, bà Việt đang tạo việc làm cho những người trẻ hơn mình, có thu nhập tốt, thậm chí có khả năng đóng góp tài chính cho các hoạt động xã hội.
Tuy nhiên, theo phó chủ tịch Hội Trương Xuân Cừ, người cao tuổi còn khó khăn trong quá trình khởi nghiệp do chưa nhận được nhiều sự quan tâm từ chính quyền địa phương trong việc vay vốn, trụ ở sản xuất kinh doanh. Nhiều người cao tuổi không còn nhanh nhạy trong việc tận dụng công nghệ trong phát triển kinh doanh. "Vẫn có định kiến cho rằng tuổi về hưu là nghỉ ngơi, không thể khởi nghiệp như người trẻ", ông nói.
Những người khởi nghiệp U60 như ông Biển cho rằng không có giới hạn tuổi tác cho những người muốn khởi nghiệp. Ông khuyên người trẻ nên khởi nghiệp khi đủ quyết tâm và tâm huyết với một lĩnh vực nào đó.
"Như tôi, đã đi hết nửa đời làm thuê, giờ vẫn có thể làm chủ đấy thôi", ông Biển nói.
Phạm Nga