"Tôi nhận thấy tình yêu bóng đá của người hâm mộ Việt Nam bây giờ cũng không khác gì người Hàn Quốc vào năm 2002", anh Kim Ban-soek, 32 tuổi, một chuyên gia kỹ thuật làm việc tại khu công nghiệp Tràng Duệ, Hải Phòng, nói với VnExpress.
Năm 2002, Hàn Quốc và Nhật Bản đồng đăng cai giải vô địch bóng đá thế giới (World Cup). Khi chuỗi chiến thắng của đội tuyển quốc gia Hàn Quốc kéo dài tưởng như không dứt, người dân ban đầu vốn thờ ơ, bỗng trở nên đoàn kết và tràn đầy hy vọng. Huấn luyện viên người Hà Lan Guus Hiddink, trở thành người hùng dân tộc và biểu tượng của quốc gia. Hàng triệu người dân Hàn Quốc đổ xuống đường để theo dõi các trận đấu của đội tuyển trên các màn hình lớn.
"Không khí lúc bấy giờ là toàn dân Hàn Quốc cùng chung một nhịp đập, cùng chung một con tim", anh Kim kể lại. Những người hâm mộ cuồng nhiệt tự đặt biệt danh cho mình là "Ác quỷ Đỏ". Họ mặc những chiếc áo phông màu đỏ rực, diễu phố và hô vang "Đại Hàn Dân Quốc" hoặc "Hàn Quốc chiến thắng". Cứ sau mỗi trận thắng, những đoàn xe ôtô dài lại nối đuôi nhau đổ ra đường và người ngồi trên xe phất cờ, thổi kèn, khua chiêng, múa trống và hò hét.
Hàn Quốc trở thành một trong 4 đội mạnh nhất giải nhưng phải dừng lại ở bán kết. Ba ngày trước khi trận chung kết giữa Brazil và Đức diễn ra vào ngày 30/6 năm đó, một đài phát thanh ở Seoul đưa tin rằng đội tuyển quốc gia Đức bị cấm thi đấu vì dương tính với chất kích thích và Hàn Quốc sẽ thế chỗ đội này để đá với Brazil.
Dù ngay sau đó, thông tin trên được xác minh không đúng sự thật, nhiều người Hàn Quốc vẫn "say sưa" tin rằng đội tuyển quốc gia sẽ được đá trận chung kết. Vụ việc cho thấy người dân xứ kim chi đã sục sôi như thế nào trước kỳ tích của đội tuyển quốc gia tại World Cup 2002 khi lọt vào 4 đội mạnh nhất giải.
Bà Park Hyejin, giám đốc Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc tại Việt Nam, nói World Cup 2002 là cơ hội để Hàn Quốc có thể xác nhận được vị thế của mình đồng thời kết nối tất cả người dân thành một thể thống nhất.
"Tôi thấy có nhiều điểm giống nhau giữa người hâm mộ Việt Nam và Hàn Quốc", bà Park nhận định, đồng thời bày tỏ cảm xúc ngỡ ngàng trước dòng người cổ vũ đầy khí thế đổ về trung tâm Hà Nội như thác lũ sau chiến thắng của tuyển U23 Việt Nam trước Qatar vào hôm 23/1.
Chị Hana Choi, một nghiên cứu sinh tiến sĩ về lịch sử Việt Nam, cũng thấy điểm giống nhau ở người hâm mộ hai nước nhưng dưới góc nhìn khác. Chị Choi bắt đầu tìm hiểu về Việt Nam cách đây 25 năm khi hai nước xây dựng quan hệ ngoại giao.
"Việt Nam bây giờ rất giống Hàn Quốc hồi World Cup 2002. Lúc đó, do khủng hoảng kinh tế 1997-98, thanh niên Hàn Quốc ra trường rất khó xin việc làm. Người dân cũng không lạc quan về tương lai phía trước. Những cuộc ăn mừng sau các chiến thắng của đội tuyển Hàn trở thành cơ hội để người trẻ xả bớt căng thẳng. Xã hội bỗng chốc như được xốc lại tinh thần vậy", chị Choi nhận xét.
Bất chấp tác động của suy thoái kinh tế, Hàn Quốc đã đầu tư hơn 2 tỷ USD để xây mới 10 sân vận động phục vụ World Cup, chưa kể mỗi sân tốn ít nhất 6 triệu USD chi phí bảo dưỡng hàng năm, tất cả đều lấy từ ngân sách. Do vậy, ban đầu người Hàn Quốc không tỏ ra "mặn mà" với sự kiện thể thao tầm thế giới này. Tuy nhiên sau trận thắng đầu tiên của tuyển Hàn Quốc trước Ba Lan, mọi lo toan "cơm áo gạo tiền" nhường chỗ cho sự sung sướng vỡ òa, chị Choi cho biết.
Tự hào về ông thầy Park Hang Seo
Ngay sau chiến thắng của U23 Việt Nam, từ khóa "Qatar và Việt Nam", "Park Hang Seo" và "Việt Nam vào chung kết" là những kết quả được tìm kiếm nhiều nhất trên cổng thông tin số một của Hàn Quốc Naver.
Anh Kim cho biết người Hàn Quốc trước đây quan niệm rằng bóng đá Việt Nam còn yếu, nên thành tích thi đấu của đội tuyển U23 tại giải lần này đã khiến đa số người dân xứ sở kim chi bất ngờ.
"Có thể vài năm trở lại đây, khi ngày càng nhiều các doanh nghiệp Hàn Quốc chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam đầu tư, Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn", anh Kim lý giải hiện tượng U23 thu hút sự chú ý của người ở quê hương anh. Theo hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, Hàn Quốc đang là nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam, với khoảng 8 tỷ USD mỗi năm trong vòng 4 năm qua.
Còn với bà Park Hyejin, người đồng hương đang dẫn dắt U23 Việt Nam mới là lý do chính để dân Hàn Quốc quan tâm đến đội tuyển. "Tôi nghĩ lý do khiến người Hàn Quốc bỗng tò mò về đội tuyển U23 Việt Nam chủ yếu là vì ông Park Hang Seo. Khi thấy một công dân Hàn Quốc góp sức tạo nên kết quả tốt đẹp ở một đất nước xa xôi như vậy, người dân Hàn cũng cảm thấy tự hào và vui lây", bà nhận xét.
Nghiên cứu sinh Choi cho biết ông Park Hang Seo nổi tiếng từ khi ông Hiddink làm huấn luyện viên chính của đội tuyển Hàn Quốc. Trong vai trò trợ lý, ông Park khi đó "như cha, như anh cả của đội tuyển".
"Huấn luyện viên phương Tây không hiểu người châu Á trong khi đó ông Park có thể đồng cảm với cầu thủ nên ông biết cách để động viên họ phát huy tiềm năng trong các trận đấu", chị Choi nói.
Chị Choi nói rằng sau World Cup 2002, ông Park có một thời gian làm huấn luyện viên nhưng không được thành công trong thời gian khá dài. Đến tuổi nghỉ hưu, sang Việt Nam dẫn dắt đội tuyển U23, ông đã cho người dân Hàn Quốc thấy rằng mình "có gì đó đặc biệt, thần kỳ".
Hạnh Phạm