Như vậy đã rõ, đội hình chính thức hay nhất của U22 Việt Nam tại kỳ SEA Games 30 lần này mà ông Park đã tốn nhiều công gây dựng, thử nghiệm, đó là đội hình đá với sơ đồ 3-5-2, trong đó bộ ba trung vệ là Tấn Sinh - Thành Chung - Văn Hậu; hai biên là Thanh Thịnh và Trọng Hoàng; cặp tiền vệ chơi sau hai tiền đạo Tiến Linh - Đức Chinh khi thiếu vắng Quang Hải là Hùng Dũng và Hoàng Đức, còn nhận nhiệm vụ thu hồi bóng là Đức Chiến.
Sơ đồ này có lúc chuyển sang 4-4-2 hoặc 4-4-1-1 nếu cần tập trung vào hai cánh. Tuy nhiên, trong trận gặp U22 Campuchia, ngoài việc chơi với sơ đồ 3-5-2 với đội hình nói trên, ông Park còn trình làng một lối chơi chưa từng gặp ngoài vòng bảng, đó là cho các cầu thủ chơi pressing khắp mặt sân, thậm chí ngay cả trên phần sân đối phương.
Cần nhớ lại, hai trận đầu gặp U22 Brunei và U22 Lào quá yếu nên chúng ta không đánh giá được gì về đội bóng. Tới trận gặp U22 Indonesia, đối phương nhường thế trận; trận gặp U22 Singapore chúng ta bị đối thủ dùng thể lực áp chế; còn trận gặp Thái Lan, hai đội xuống sức khá nhiều, nên yếu tố kỹ chiến thuật không được thể hiện rõ nét.
>> Ba điểm yếu 'chết người' của U22 Việt Nam
Chính nhờ HLV Park áp dụng lối chơi như vậy mà U22 Campuchia, sở trường với lối chơi kỹ thuật, ban bật nhỏ đã thất bại hoàn toàn. Tấn công biên không được, phối hợp trung lộ cũng không xong, U22 Campuchia lại còn bị dính đòn hồi mã thương khi bị mất bóng, như pha chuyển trạng thái phòng thủ sang tấn công của U22 Việt Nam ở bàn thắng thứ hai (Thành Chung mở bóng cho Đức Chinh đua tốc độ ghi bàn), hoặc bị các cầu thủ tấn công U22 Việt Nam phối hợp với nhau ghi bàn (bàn đầu tiên là Đức Chinh - Tiến Linh và bàn thứ ba là Thái Quý - Đức Chinh).
Ngoài ra, cặp song sát của U22 Việt Nam trận này phối hợp nhau chơi quá hay. Bàn thắng đẳng cấp bằng đầu của Tiến Linh, hai bàn thắng của Đức Chinh (một bằng chân, một đánh đầu tầm thấp) trong hiệp một đã dập tắt hy vọng của U22 Campuchia trong hiệp hai. Đó là chưa kể một Văn Toản đã vượt qua mặc cảm chơi tự tin, chắc chắn, ra vào hợp lý và đã cản phá được quả 11 m cuối trận.
Tóm lại, qua trận đấu này, bóng dáng nhà vô địch SEA Games 30 đã xuất hiện, đó là một U22 Việt Nam chơi điềm đạm, nhiều khao khát, sức khoẻ dồi dào dù chỉ sau một ngày phục hồi (vì nếu thể lực không đảm bảo, khó lòng thành công với lối chơi pressing), đặc biệt có nhiều cách tiếp cận trận đấu khác nhau với nhiều đối thủ khác nhau một cách hiệu quả.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.