* Việt Nam - Iran: 17h hôm nay, trên VnExpress.
Trong khi đội tuyển quốc gia luôn ở nhóm đầu châu lục, bóng đá trẻ Iran không quá mạnh. Họ chỉ hai lần vượt qua vòng bảng trong 10 kỳ U20 châu Á gần đây, và hai lần thậm chí không qua vòng loại. Thành tích tốt nhất của họ giai đoạn này cũng là bán kết năm 2016, giống Việt Nam. Nhưng hai đội chưa từng gặp nhau tại giải, tính từ năm 1975.
Lý giải việc các lứa trẻ Iran không mạnh như ĐTQG, trang Team Melli viết: "Các HLV Iran không đủ tiêu chuẩn quốc tế để huấn luyện cầu thủ trẻ, cơ sở vật chất thiếu thốn, liên đoàn không đủ năng lực và sự chuẩn bị cũng không chu đáo".
HLV Samad Marfavi cũng không được đánh giá cao ở U20 Iran hiện tại, dù ông từng là cầu thủ gây ấn tượng thứ ba châu Á năm 1991. "Cũng như nhiều HLV khác ở Iran, Marfavi lạc hậu và thiếu kiến thức bóng đá hiện đại", trang tin về bóng đá Iran có thêm đoạn. "Liên đoàn cũng không có chiến lược gửi cựu cầu thủ ra nước ngoài học tập và bồi dưỡng nghiệp vụ huấn luyện. Thành tích của các lứa trẻ Iran trước đây đều thuộc về những khoảnh khắc loé sáng cá nhân chứ không phải tài năng của HLV".
Nhưng dù lứa trẻ không được đánh giá cao, năng lực của các cầu thủ Iran vẫn nhỉnh hơn Việt Nam. Ở trận đầu tiên, họ thắng Qatar 1-0 nhờ bàn phạt đền, trong thế trận vượt trội. Sau đó, Iran bất ngờ thua Australia 2-3 ở trận đấu cởi mở và đôi công. Đoàn quân của Marfavi cũng không hẳn "mạnh ai nấy đá", khi những thống kê của họ hai trận đã qua có những điểm tương đồng.
Trong cả hai trận đã qua của Iran, hậu vệ trái số ba Hajizadeh Seifi đều thường xuyên dâng cao hơn cả tiền vệ cùng cánh số 14 Erfan Ghorbani.Và Seifi cũng tạo ra nhiều cơ hội nhất cho đồng đội trong cả hai trận này dù chỉ là hậu vệ. Một phần lý do là anh thực hiện hầu hết quả phạt góc và phạt trực tiếp của Iran. Nhưng Seifi đã bảy lần chuyền bóng cho đồng đội dứt điểm ở hai trận qua, thông số cao nhất giải.
Không riêng Seifi, các trung vệ Iran cũng thường xuyên tham chiến và dứt điểm từ tình huống cố định. Số 5 Amin Hazbavi và số 6 Milad Kor đã dứt điểm tổng cộng 10 lần qua hai trận, dù chỉ là trung vệ. Trong khi đó, hậu vệ phải số 15 Amin Pilali hiếm khi dâng cao.
Seifi có nhiều khoảng trống để leo biên, một phần nhờ tiền vệ Ghorbani thường xuyên xuất hiện ở biên trong, thậm chí trung lộ. Tiền vệ này trưởng thành từ lò đào tạo KIA, được đánh giá tốt nhất Iran. Ghorbani có kỹ thuật tốt, đã 10 lần rê bóng thành công chỉ qua hai trận. Nhưng điểm yếu của anh là khả năng chuyền bóng, với tỷ lệ chính xác dưới 50%. Nói cách khác, Ghorbani giống nhân vật phá cách trong lối chơi của Iran để tạo đột biến, nhưng cũng nhiều rủi ro mất bóng.
Trong cả hai trận qua, Iran đều giữ bóng nhiều hơn đối thủ, một phần nhờ vào tiền đạo số 9 Saeid Saharkhizan. Anh không phải mẫu trung phong cắm, mà thường xuyên giật về phối hợp làm bóng với đồng đội. Biểu đồ chuyền bóng ở trên cho thấy Saharkhizan không bị lạc lõng trong lối chơi kiểm soát bóng của Iran. Nhưng điểm yếu của anh là thể hình khá mỏng và cũng không cao đến 1,8 m.
So với cấp đội tuyển, thể hình của lứa U20 Iran hiện tại không quá vượt trội Việt Nam. Nhưng lối chơi linh hoạt và tốc độ của họ khác hẳn Qatar hay Australia, khiến hàng thủ của HLV Hoàng Anh Tuấn sẽ phải đối mặt với những khó khăn khác. Đổi lại, Việt Nam sẽ có cơ hội phản công khi Seifi dâng cao và để hổng cánh trái. Bàn thắng thứ ba của Australia trước Iran là ví dụ như thế.
Lợi thế cho Việt Nam là đội chỉ cần hoà để vào tứ kết U20 châu Á, vì thế đội có thể chơi phòng ngự phản công theo sở trường. Nhưng với hàng công đã dứt điểm tới 43 lần sau hai trận như Iran, thủ môn Cao Văn Bình và đồng đội cũng sẽ cần thêm may mắn để tránh thủng lưới.
Xuân Bình