Trong báo cáo gửi UBND TP HCM về việc tu bổ di tích lịch sử quốc gia Địa điểm lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng tại cảng Ba Son (quận 1), Sở Văn hóa - Thể thao cho biết, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch chỉ đạo bảo tồn một phần Ụ tàu lớn. Công trình này có cửa thông với sông, biển, có thể điều chỉnh lượng nước, dùng làm nơi đưa tàu thuyền vào sửa chữa.
Quan điểm này phù hợp với quy hoạch 1/500 của thành phố. Theo đó, phần đầu của Ụ tàu lớn được bảo tồn thành hồ nước, đường viền hồ là thành ụ trong tổng thể công viên của Khu phức hợp Sài Gòn - Ba Son.
Một số hiện vật của Ụ tàu lớn (các bảng đồng) đang được Tổng công ty Ba Son cất giữ. Hiện, đơn vị đã khoanh vùng khu vực này và tạm thời cho lấp cát. Khi thi công phần công viên sẽ khôi phục lại phần bảo tồn thích nghi của ụ tàu lớn (đang nằm dưới lớp cát). Các hiện vật sẽ được gắn lại để giới thiệu đến người dân và khách tham quan.
Xưởng đóng tàu Ba Son nằm trên ngã ba sông, nơi tiếp giáp giữa sông Sài Gòn với rạch Thị Nghè, được lập ra từ năm 1790. Đây là nơi đóng và sửa chữa tàu, là di sản hàng hải lâu đời của Sài Gòn.
Ụ tàu được đưa vào sử dụng tháng 12/1888, là ụ tàu duy nhất của Ba Son gần như còn nguyên vẹn sau 131 năm xây dựng.
Công trình dài 156 m, rộng 21 m, sâu 10 m, móng lót đá, thành ụ lát đá ong Biên Hòa. Vật liệu xây dựng, ximăng, sắt thép đều mang từ Pháp sang. Kinh phí xây dựng lên tới hơn 7,8 triệu franc.
Ụ tàu cũng là cơ xưởng đầu tiên và lớn nhất của Thủy xưởng Ba Son ra đời từ 152 năm trước - địa điểm lịch sử lâu đời bậc nhất của Ba Son chỉ cách 40 m với Xưởng cơ khí (di tích quốc gia đã được xếp hạng). Phía Nam công trình giáp sông Sài Gòn, Đông giáp Xưởng cơ khí, Tây giáp Trạm xưởng Ụ đốc (cũng là một bộ phận của Ba Son có trên 100 năm).
Hiện, Bộ Quốc phòng đề nghị giải quyết một số vướng mắc trong việc lập hồ sơ dự án tu bổ di tích lịch sử quốc gia Địa điểm lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng để làm rõ các vấn đề: đất công nhưng vốn đầu tư lại của tư nhân; quy chế quy định liên quan đất quốc phòng, tài sản công; phương án, cơ chế hoạt động tổ chức nhân sự của đơn vị quản lý di tích khi đưa công trình vào hoạt động; kinh phí vận hành bảo trì thường xuyên để đảm bảo công trình phát huy tốt giá trị di tích.
Cũng liên quan đến Xưởng đóng tàu Ba Son, mới đây UBND TP HCM đồng thuận với đề xuất của Công ty TNHH Thương mại - Đầu tư và Phát triển Thiên Niên Kỷ (chủ đầu tư cầu tàu Ba Son) chuyển đổi công năng toàn bộ cầu tàu dài khoảng 380 m thành bến thủy để tàu khách nước ngoài, du thuyền, phương tiện thủy nội địa... ra vào, neo đậu, đưa rước khách du lịch.
Hữu Nguyên