Tại Khoa Ngoại ngày 8/2, các xét nghiệm, siêu âm, chụp X-quang, cho thấy bé có u nang buồng trứng phải xoắn. Khối u to với kích thước chiều dài 8 cm, chiều rộng 6 cm, xoắn 1,5 vòng, chuyển màu tím sẫm. Bệnh nhi được chỉ định phẫu thuật nội soi cắt bỏ khối u bằng phương pháp gây mê nội khí quản.
Kíp bác sĩ tiến hành tháo xoắn, bóc tách, cắt bỏ khối u nang bì buồng trứng phải, bảo tồn được vòi trứng, loa vòi trứng và phần buồng trứng lành. Mẫu bệnh phẩm lấy ra từ khối u nang bì buồng trứng phải xoắn có chứa các cấu trúc như da, tóc, răng, xương và một số tổ chức giống bã đậu...
Hậu phẫu, bé phục hồi tốt. Bác sĩ Phạm Đăng Bình, Phó Trưởng Khoa Ngoại, cho biết với phương pháp phẫu thuật nội soi giúp giảm chấn thương, giảm chảy máu, hạn chế nguy cơ dính ruột, tắc ruột sau mổ, vết mổ mang tính thẩm mỹ hơn.
U nang buồng trứng là một khối chứa dịch hoặc chất rắn có dạng như bã đậu phát triển bất thường trên hoặc bên trong buồng trứng. Khối u này có thể là các mô mới khác thường hay là sự tích tụ dịch tạo thành một nang trên buồng trứng. Có 3 loại là u nang nước, u nang bì và u nang nhầy.
U nang buồng trứng thường gặp ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản nhưng cũng có thể gặp ở những trẻ em gái tuổi trước vị thành niên, do nồng độ gonadotropin giảm sau khi sinh và giữ ở mức nồng độ thấp cho đến giai đoạn dậy thì. Đa số các khối u nang đơn thuần ở trẻ gái do các nang trứng không tự thoái triển. Các nguyên nhân khác có thể gặp như dậy thì sớm, bệnh lý tuyến giáp, u buồng trứng....
90% khối u được phát hiện ở trẻ là lành tính. U nang buồng trứng xoắn là một biến chứng nguy hiểm của u nang buồng trứng.
Bác sĩ cho biết trong giai đoạn đầu, u nang buồng trứng diễn biến âm thầm, không có triệu chứng, biểu hiện có thể chỉ thường xuyên đau bụng lâm râm dưới vùng rốn, dễ bị bỏ qua. Khi khối u nang phát triển to hơn, trẻ có thể sờ thấy được do thành bụng ở độ tuổi này khá mỏng. Bác sĩ khuyến cáo mỗi người, kể cả trẻ nhỏ, nên đi khám phụ khoa tổng quát, siêu âm ổ bụng định kỳ để phát hiện sớm bất thường.
Thúy Quỳnh - Hiền Chúc