Các bác sĩ Bệnh viện Bãi Cháy ngày 28/8 cho biết bệnh nhân 55 tuổi phát hiện ung thư trực tràng giai đoạn 3 vào cuối năm 2019. Phác đồ điều trị gồm hóa, xạ trị nhằm giảm kích thước khối u và khả năng phát tán tế bào ung thư theo đường máu, bạch huyết. Tuy nhiên kết thúc giai đoạn hóa, xạ trị, cần phải phẫu thuật thì bệnh nhân bỏ dở, về nhà tự uống thuốc nam.
6 tháng sau, bệnh nhân nhập viện do đại tiện khó khăn, bụng chướng, bác sĩ chẩn đoán bị tắc ruột do khối u trực tràng tiến triển. Bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật làm hậu môn nhân tạo bằng đại tràng sigma.
Bác sĩ Nguyễn Văn Dũng, Trưởng Khoa Ung bướu 1, nhận định sau khi tiến hành hóa xạ trị, nếu bệnh nhân được phẫu thuật loại bỏ u trực tràng theo đúng phác đồ sẽ đảm bảo hiệu quả điều trị triệt căn, tránh ung thư di căn, tái phát, kéo dài thời gian sống. Tuy nhiên bệnh nhân sử dụng thuốc nam suốt 6 tháng, bỏ lỡ thời điểm phẫu thuật tốt nhất nên không thể mổ loại bỏ u được nữa.
"Chúng tôi phải phẫu thuật làm hậu môn nhân tạo để giải quyết tình trạng tắc ruột, cải thiện đường tiêu hóa cho người bệnh. Việc điều trị ung thư của bệnh nhân cũng trở nên khó khăn hơn khi chỉ còn lựa chọn điều trị hóa chất để duy trì, kìm hãm cho khối u không phát triển", bác sĩ nói.
Hiện nay chưa có nghiên cứu y khoa nào chứng minh thuốc nam có thể điều trị khỏi bệnh ung thư. Vì vậy, người bệnh ung thư cần kiên trì, tin tưởng điều trị theo phác đồ của các bác sĩ chuyên khoa, không sử dụng các bài thuốc không rõ nguồn gốc. Cần sinh hoạt, ăn uống theo chế độ dinh dưỡng khoa học, tránh bỏ lỡ "thời điểm vàng" điều trị hiệu quả bệnh, kéo dài thời gian sống.