Chị P. làm bác sĩ tại một bệnh viện tên tuổi trong thành phố, thu nhập cũng tương đối, tính tình cởi mở, nhân hậu. Vậy nhưng đến nay vẫn chịu cảnh đơn bóng. Chỉ những người thân mới hiểu được lý do mà chị phải mang sự nghiệp "solo" trên đường đời.
Nhà chỉ có hai anh em, chị P. là con út nên cha mẹ chị hết mực cưng chiều. Thu nhập của chị được bao nhiêu, gia đình đều quản lý hết. Chị không được về nhà sau 9 giờ tối, đi chơi với bạn bè phải xin phép, đồng thời nói rõ đi đâu, với ai, bao nhiêu người... Điện thoại gọi đến nhà tìm thì mẹ chị là người bắt máy đầu tiên. Nếu người gọi là con trai sẽ bị tra hỏi thật kỹ: tên gì, ở đâu, bao nhiêu tuổi, làm nghề gì, tình trạng gia đình ra sao, quan hệ với chị như thế nào.... rồi mới chuyển máy. Bạn bè thấy thế đâm ngại ít ai dám tới lui với chị, trừ những lúc chẳng đặng đừng. Chị có phản đối thì gia đình lại kiểm tra gắt gao hơn.
Rồi chị cũng có người yêu. Lúc đầu anh ta cũng rất an tâm khi quen được một tiểu thư con nhà gia giáo như chị. Nhưng dần dần anh khó chịu vì sự can thiệp, đề phòng quá đáng của mẹ chị. Ai đời con gái đã 30 tuổi đầu mà mỗi khi ngồi nói chuyện với bạn trai mà bà mẹ cứ ngồi kế bên, lại xen vô hết chuyện này đến chuyện khác, nếu không cũng đi ra đi vào để giám sát. Thỉnh thoảng mẹ chị mới cho phép hai người được đi chơi riêng nhưng lần nào cũng kèm theo lời dặn: "Cậu đưa con tôi đi như thế nào thì trả về y như vậy. Con tôi mà có làm sao là cậu phải chịu trách nhiệm đấy nhé", làm anh bạn đó cứ thấy nhồn nhột, tự ái, riết rồi đâm ngại và rút lui luôn. Sau đó chị còn quen ba bốn người nữa nhưng không ai chịu nổi cái lối quản thúc chặt chẽ của gia đình chị.
Chị B. quá ba mươi tuổi một chút đang là giảng viên của một trường đại học. Chị là một người năng nổ, luôn tìm tòi học hỏi để làm giàu vốn kiến thức "đặng đứng lớp mà không bị "knock out" khi sinh viên đặt những câu hỏi ngoài sách vở". Chị được đánh giá có năng lực và sẽ còn tiến xa hơn nữa nhưng với gia đình, chị vẫn là một cô bé không hơn không kém.
Chị cho biết, ở góc nhỏ trong phòng khách gia đình có dán một thời khoá biểu được ghi rất chi tiết: ngày nào dạy ở đâu, bao nhiêu tiết; ngày nào họp tổ bộ môn, đi học tiếng Anh ngày nào, học ở đâu... để gia đình tiện theo dõi và kiểm tra. Ban đầu chị cũng cảm thấy bị xúc phạm, nhưng riết rồi quen mặc cho bạn bè, đồng nghiệp chế nhạo. Niên học vừa rồi chị phải hướng dẫn sinh viên đi thực tập ở Đà Lạt một tháng do anh bạn đồng nghiệp bị bệnh đột xuất. Đây là chuyến đi công tác dài ngày đầu tiên mà chị đảm nhiệm. Dù đã trình với gia đình lệnh điều động công tác có đóng dấu đỏ hẳn hoi của nhà trường, thư viết tay của ông trưởng khoa gửi riêng cho ba má chị, lịch làm việc, địa chỉ khách sạn nơi chị cư trú, danh sách sinh viên thực tập... vẫn chưa đủ để gia đình an tâm. Cứ thứ bảy chủ nhật hàng tuần ba má ba chị lại thay phiên lên Đà Lạt xem con gái mình "sinh sống" ra sao. Chị bị đám học trò "chọc quê" chúng bảo: "Bộ cô hổng có chữ tín sao mà bị kiểm tra dữ vậy chứ như tụi em đây chỉ báo với nhà một tiếng là OK rồi"; còn ông trưởng khoa lại nói: "Tui cũng bị con cái gán cho cái tội là luôn coi chúng là con nít nhưng dù gì tụi nó còn ở tuổi ăn học, cô quá ba mươi rồi xem ra tui còn thua xa ba má cô".
Dẫu biết cha mẹ nào cũng thương con, luôn muốn đùm bọc chở che con cái mà không biết rằng "nó" đã lớn cần có sự độc lập. Và chính vì "trống đánh xuôi kèn thổi ngược" này mà họ đã vô tình làm khổ nhau mà không biết.
(Theo Sài Gòn Tiếp Thị)