Neil Patel là chuyên gia marketing, đồng sáng lập các công ty phân tích số liệu khách hàng Crazy Egg, HP và Viacom. Anh chia sẻ trên tạp chí Entrepreneur cách nuôi dạy con của cha mẹ mình.
Khi tôi còn nhỏ, cha mẹ tôi, Kiran và Pratima, thường đặt ra nhiều kỳ vọng và hy vọng tôi sẽ đạt được. Tôi biết những kỳ vọng của họ đều tốt nhưng thú thực khi ấy tôi ghét phải thực hiện. Sau này, khi trưởng thành, tôi nhận ra những bài học của cha mẹ là điều tuyệt vời nhất mà tôi có. Tôi biết nghe có vẻ sáo rỗng, nhưng tôi không thể thành công như hôm nay nếu không có họ và đây là lý do tại sao.
1. Học tập mọi lúc
Hầu hết trẻ em đi học chín tháng trong năm nhưng đó không phải là tôi. Bố mẹ tôi cho rằng thật lãng phí thời gian dành cho nghỉ hè hay các ngày lễ vì nó cướp đi thời gian học tập quý báu. Vì vậy, vào mỗi dịp nghỉ hè, mẹ sẽ yêu cầu hai anh em tôi làm thêm bài tập và chuẩn bị kiến thức cho năm học sau. Theo thời gian, tôi đã thu nạp lượng kiến thức nhiều hơn các bạn đồng trang lứa.
2. Cải thiện bản thân
Tôi lớn lên với suy nghĩ điểm A- là chưa đủ tốt. Theo quan điểm của cha mẹ tôi, điểm trừ nghĩa là tôi đã bỏ lỡ hoặc chưa hoàn thiện phần nào đó. Vì vậy, thay vì tập trung vào khoảng 92% hành động đúng, tôi sửa chữa vào những điều sai và cải thiện thiếu sót. Tất nhiên, cha mẹ không mắng mỏ hay tức giận nếu tôi nhận được điểm A-. Thay vào đó, họ dạy tôi rằng điểm số không tuyệt đối là kinh nghiệm để sửa đổi và không lặp lại sai lầm.
Tôi vẫn nhớ năm trung học, tôi đạt điểm C môn tiếng Tây Ban Nha. Bố mẹ tôi vô cùng thất vọng với điểm số này dù khi ấy tôi đã tự kiếm được 20.000 USD mỗi tháng. Bố tôi nói rằng điều quan tâm không phải số tiền tôi kiếm được mà tôi đang mải mê trong chiến thắng và quên mất phải hoàn thiện bản thân.
Điểm C môn tiếng Tây Ban Nha chỉ ra rằng tôi đang yếu ở môn học quan trọng, vì thế phải thay đổi và phải nỗ lực hơn nữa để cải thiện điểm số cũng như kiến thức. Bằng cách biết những gì cần cải thiện và làm thế nào để cải thiện nó, tôi có thể đạt được thành công lớn hơn đồng nghiệp trong kinh doanh hoặc trong các lĩnh vực khác nhau của cuộc sống.
Cha mẹ của Neil Patel, Kiran Patel (trái) và Pratima Patel. Ảnh: Neil Patel. |
3. Đầu tư cho học tập
Là chủ doanh nghiệp, tôi bỏ hàng núi tiền cho các chi phí kinh doanh điển hình như quản lý dữ liệu, lương nhân viên, hợp tác với các nhà thầu... Nhưng tôi cũng dành không ít tiền cho việc phát triển bản thân và trang bị ngày càng nhiều kiến thức ở đa lĩnh vực.
Tôi học được điều này từ cha mẹ tôi. Nhà chúng tôi vốn không giàu có. Tôi không được học trường tư, không được mặc quần áo đắt tiền hay đi ăn ngoài, nhưng cha mẹ tôi đầu tư rất nhiều tiền cho việc học của con cái. Với tôi và cha mẹ tôi, kiến thức là khoản đầu tư không bao giờ phí phạm.
4. Sức mạnh của sự kiên trì
Tôi nhớ mẹ tôi từng nói: "Nếu con muốn giỏi một thứ gì đó, hãy thực hiện nó lặp đi lặp lại nhiều lần". Khi bắt đầu công việc kinh doanh của mình, tôi gặp nhiều khó khăn, thậm chí từng thất bại. Việc tốt nhất tôi có thể làm lúc đó là thử đi thử lại nhiều lần và cuối cùng tôi đã thành công.
Viết blog là ví dụ cho việc sự kiên trì được đền đáp. Tôi đã viết blog liên tục trong hơn mười năm. Khi mới bắt đầu, tôi cảm thấy rất mệt mỏi, chán chường nhưng bây giờ, tôi có thể kiếm hàng triệu USD từ việc viết blog. Và tất nhiên, tôi vẫn đang cải thiện kỹ năng viết blog từng ngày.
5. Tư duy phản biện
Nếu chỉ được phép sở hữu một kỹ năng duy nhất suốt cuộc đời, tôi sẽ chọn kỹ năng tư duy phản biện. Đó là món quà từ cha mẹ tôi và cũng là tài sản lớn nhất tôi có khi trở thành doanh nhân.
Khi tôi còn nhỏ, mỗi lần gặp rắc rối, bố mẹ sẽ không bao giờ nhúng tay vào giúp mà tôi luôn phải tự giải quyết vấn đề. Bằng việc tự chịu trách nhiệm với bản thân, tôi đã học được cách hình thành tư duy phản biện. Một vấn đề có rất nhiều cách giải quyết, việc của tôi là suy tính đủ mọi khía cạnh của vấn đề, tìm ra điểm mạnh yếu của từng cách giải quyết và lựa chọn giải pháp phù hợp nhất.
Tỷ phú người Mỹ gốc Ấn Neil Patel. Ảnh: Amyporterfield |
6. Làm việc chăm chỉ
Cha mẹ tôi luôn là hình mẫu của sự chăm chỉ để anh em tôi noi theo. Mẹ tôi chắt chiu từng đồng và sẵn sàng làm nhiều việc cùng lúc để nâng cao thu nhập gia đình. Ngay từ nhỏ, tôi và em gái đã cùng nhau giúp đỡ cha mẹ việc nhà và không coi đó là nghĩa vụ mà là nhiệm vụ.
Sau này, khi tôi học đại học, cha mẹ không cho phép tôi đạt điểm thấp chỉ vì giờ tôi phải đi làm thêm. Cha tôi nói rằng cuộc sống của người trưởng thành là phải biết cân bằng các công việc. Muốn vậy, bạn phải chăm chỉ và tích cực hơn trong công việc cũng như học tập.
7. Nắm bắt điểm mạnh của mình
Tôi từng đọc được thống kê như sau: 26% cha mẹ Mỹ có con chơi thể thao hy vọng con sẽ trở thành vận động viên chuyên nghiệp. Với những hộ gia đình có thu nhập thấp, tỷ lệ này lên đến 39%.
Thật may vì cha mẹ không kỳ vọng tôi trở thành vận động viên chuyên nghiệp vì vốn dĩ, thể thao không phải là thế mạnh của tôi. Thay vào đó, họ muốn tôi nhận ra thế mạnh của mình và nắm bắt chúng. Hiểu rõ điểm mạnh, yếu của bản thân là con đường dẫn đến thành công.
Nếu không có những bài học của cha mẹ, có thể tôi đã không đạt được thành quả như hiện nay và chỉ là đứa con ăn bám vào gia đình. Cha mẹ tặng tôi những kỹ năng mà tôi có thể dùng nó để xây dựng cuộc đời riêng và quay lại báo đáp họ. Khi có con, tôi chắc chắn đem những bài học này tặng lại cho chúng.
Tú Anh (Theo Entrepreneur)