Tỷ phú Zhang Yong, người sáng lập chuỗi lẩu Tứ Xuyên Haidilao từng có tên trong danh sách những người giàu nhất Trung Quốc. Và bây giờ, doanh nhân 50 tuổi đã trở thành người giàu nhất Singapore sau khi nhập quốc tịch nước này.
Theo danh sách 50 người giàu nhất Singapore do Forbes mới công bố, ông Zhangcó tài sản ròng ước tính trị giá 13,8 tỷ USD, chính thức vượt qua hai anh em Philip và Robert Ng của Far East Organisation (Singapore) và Sino Group (Hong Kong), những người giữ vị trí số một trong danh sách này suốt thập kỷ qua, với tài sản 12,1 tỷ USD.
Sau khi phát hiện ông Zhang trở thành công dân Singapore, cư dân mạng Trung Quốc đã bày tỏ sự phẫn nộ và kêu gọi tẩy chay chuỗi nhà hàng. Một số người nói quyết định của ông là dấu hiệu cho thấy sự giàu có của Trung Quốc đang chuyển đến Singapore do bất ổn chính trị ở Hong Kong, nơi theo truyền thống là điểm đến của nhà giàu từ đại lục.
Tỷ phú Zhang Yong - Nhà sáng lập kiêm CEO Haidilao International Holding. Ảnh: Bloomberg |
Tuy nhiên, đây không phải là tranh cãi đầu tiên mà ông Zhang phải đối mặt. Hai chi nhánh của Haidilao tại Bắc Kinh đã từng tạm ngừng hoạt động vào năm 2017 sau các báo cáo thiếu điều kiện vệ sinh lý tưởng. Một chi nhánh ở Singapore đóng cửa hai tuần cùng năm đó khi bị kết luận vi phạm các hoạt động xử lý thực phẩm.
Vì vậy, trước khi Haidilao International Holding IPO năm ngoái, ông Zhang đã cam kết ứng dụng các tiến bộ công nghệ để tránh các vụ bê bối thực phẩm trong tương lai. Công ty hợp tác với Panasonic để thử nghiệm sử dụng bếp tự động ở Bắc Kinh, động thái nhằm tránh lặp lại vụ bê bối hai nhân viên Haidilao chế biến thực phẩm bằng tay không, cùng với các trường hợp phát hiện chuột vào năm 2017.
Tỷ phú Zhang là người gốc Giảng Dương, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc. Tốt nghiệp một trường nghề ở Thành Đô, ông trải qua 6 năm làm việc ở nhà máy máy kéo và vài lần thất bại trong kinh doanh. Sau đó, ông bắt đầu kinh doanh nhà hàng với bạn gái (bây giờ là vợ) và vài người bạn, với tổng số vốn góp được ban đầu chưa đến 10.000 nhân dân tệ (khoảng 1.400 USD).
"Dù tôi không góp nhiều tiền nhưng đã đảm nhận vị trí tổng giám đốc và hứa với những người khác rằng tài sản sẽ tăng lên 150.000 nhân dân tệ trong vòng 5 năm. Tôi đã thề nếu không thể quản lý số tiền ấy, tôi sẽ đền cho họ", ông Zhang nói đó là số tiền lớn vào những năm 1990.
Nhà hàng lẩu của ông đã nhanh chóng qua mặt các nhà hàng khác trong khu vực. Từ ban đầu chỉ 4 bàn, nhà hàng nhanh chóng mở rộng nguyên tầng một toà nhà với trang trí chỉn chu và có máy lạnh. Năm 1998, ông mở được nhà hàng thứ hai.
Haidilao nổi tiếng với các món cay, từ đó phát triển thành chuỗi nhà hàng lẩu với gần 600 cửa hàng trên toàn thế giới, bao gồm ở Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản và Singapore. Công ty trở thành doanh nghiệp đại chúng vào năm 2018. Khi ấy, nhu cầu cổ phiếu công ty vượt quá nguồn cung, khiến cổ phiếu được đăng ký mua vượt 20 lần. Giá cổ phiếu Haidilao đã tăng hơn gấp đôi kể từ tháng 9 năm ngoái, mang lại cho công ty vốn hóa 25 tỷ USD.
Ngày nay, Haidilao được biết đến không chỉ bởi thức ăn cay, mà còn bởi dịch vụ chăm sóc khách hàng chu đáo. Nhà hàng phục vụ miễn phí làm móng tay, đánh giày và ghế massage cho khách hàng chờ đợi.
Mặc dù thành công, Zhang đã thừa nhận rằng không phải lúc nào ông cũng tự tin. Ngày trước, khi mất tự tin, ông thường tìm đến sách.
"Khi tôi 14 tuổi, hầu hết con trai vỡ giọng còn tôi thì không. Mọi người cười nhạo tôi. Tôi trở nên kém tự tin và lo lắng, không dám nói chuyện với các cô gái. Cuối cùng, tôi phát hiện ra một nơi tốt là thư viện quận. Trước những năm 1980, chúng tôi sống trong một thế giới khép kín. Thư viện chỉ chứa những cuốn sách định hướng tuyên truyền", ông kể lại.
Tuy nhiên, từ năm 1983 đến 1984, những cuốn sách mới đã được đưa vào, như thơ của văn hào Ấn Độ Rabindranath Tagore, hay các tác phẩm lịch sử.
"Trước khi đọc những cuốn sách đó, tôi không biết gì và đần độn, nhưng tôi tin vào khái niệm bình đẳng. Giáo dục làm nên con người. Nếu được giáo dục theo cách truyền thống, bạn sẽ xem nhân viên của mình với cách cũ. Điều này không có hiệu quả trong quản trị. Tại sao tôi có thể hiểu nhân viên của mình? Đó là vì hệ giá trị của tôi cũng như những gì tôi đã trải nghiệm khi tôi 14 hoặc 15 tuổi", ông nói.
Phiên An (theo SCMP)