Bà Vân (giữa) trước căn nhà khang trang trong rừng. Ảnh: ANTĐ |
Người phụ nữ ấy là bà Nguyễn Thị Vân, ở xã Dân Hạ, huyện Kỳ Sơn (Hòa Bình), không khó khăn lắm để tìm đường vào nhà “bà Vân trồng rừng” bởi cái tên ấy đã quá nổi tiếng cho dù tư gia của bà tọa lạc mãi tít tận trong… núi.
Ngôi biệt thự 3 tầng tọa lạc trên một quả đồi được bao phủ bởi ngút ngàn màu xanh. Bà Vân đón khách bằng cái ngoắc tay rất… kiểm lâm: “Rừng của tôi đấy. Chú đến muộn chút nữa tôi đã ra ngoài đó cùng với công nhân rồi”.
Những khoảnh đất được phủ kín bởi những cây keo, cây quế thấy một màu xanh mướt dịu mát đến nao nao. Bà Vân kể, bà xuất thân là một cán bộ công tác tại huyện đội Đông Anh - Hà Nội. Năm 1968, bà chuyển lên ở xã Hợp Thành, huyện Kỳ Sơn. Năm 1981-1983, cuộc sống sau giải phóng ở vùng rừng núi này quá khốn khó, bà quay sang nghề đi buôn trâu.
Tháng 10/1983, Công an tỉnh Vĩnh Phú khám phá một vụ trộm cắp trâu bò, thủ phạm khai đã bán cho bà Vân 7 con. Hai chiếc xe tải chở 21 con trâu của bà Vân chạy đến Vĩnh Yên bị ách lại.
Bà Vân nhớ lại: “Các anh công an hỏi tôi: “Có phải bà mua trâu của anh này không?”. Tôi nhận ngay, ngờ đâu là trâu trộm cắp? Con trâu đâu có đeo biển kiểm soát như xe máy bây giờ mà biết được ngay gian?”. Tội trộm trâu khi đó khá nặng, vì thành khẩn và phạm pháp do vô tình nên bà Vân chỉ bị tòa kêu án 3 năm tù cho tội tiêu thụ của gian.
Bà bộc bạch: “Với nông dân, con trâu là tài sản lớn lắm. Tội tiêu thụ 7 con trâu ăn cắp là đáng tù lắm rồi. Mình buôn bán mà cứ tin người thì phải chịu”. Từ một tay buôn có cỡ ở đất Hòa Bình, bà Vân bắt đầu chuỗi ngày mặc áo số, ăn cơm phần.
Vào tù được 20 ngày, bà Vân “dở chứng”. Bà nằng nặc không chịu ăn để đòi cho gặp bằng được ông Giám thị của Trại giam Tam Đảo. Cả trại hơn 1.000 phạm nhân này bỗng xôn xao vì chắc mẩm “con mụ buôn trâu” kia có lẽ sắp… thần kinh. Duy nhất ông Giám thị không nghĩ thế. Đúng cuộc họp giao ban đầu tuần cùng đầy đủ cán bộ của trại, ông cho mời bà lên tiếp chuyện.
Đứng ngay giữa cuộc họp, bà Vân “to gan” đề xuất: “Đề nghị ban lãnh đạo trại cấp cho 3 tấn lúa và cho phép tôi được nhận chăm sóc khu chăn nuôi của trại. Tôi đảm bảo sẽ tự cung tự cấp đầy đủ thực phẩm cho toàn bộ trại này mà không cần phải nhờ Nhà nước hay mậu dịch”.
Cả phòng họp cười ồ. Riêng Thiếu tá Nguyễn Đăng Lộc, Giám thị không cười. Ông nhìn bà một lúc rồi nhẹ nhàng bảo: “Chị viết cho tôi một bản tường trình về những gì chị dự định làm, sang tuần tôi sẽ cân nhắc đề nghị này”.
Bà Vân xúc động: “Ông Thiếu tá rất tốt, đề nghị của tôi cuối cùng cũng được duyệt. Tôi bắt tay vào tổ chức lại toàn bộ khu chăn nuôi của trại”. 3 tấn lúa cam kết vay trước mặt ông Thiếu tá trong cuộc họp, chỉ trong 3 tháng bà Vân hoàn trả đủ bằng tiền bán lợn.
Tổ chức nuôi thêm cá, gà, vịt… mỗi tháng khu chăn nuôi do bà làm đội trưởng cung cấp cho trại 5,5 tạ thịt đáp ứng đủ nhu cầu thực phẩm của tù nhân khi đó. Do tập trung cải tạo tốt, lại gương mẫu, có nhiều đóng góp xây dựng mô hình quản lý chăn nuôi nên chỉ thụ án 17 tháng, bà Vân được xét đặc xá trước thời hạn.
Hơn 500 ngày mặc áo số là quãng thời gian đằng đẵng, nhưng rồi cũng đến ngày bà được trở về. Cái sự mừng ra tù của bà chấm dứt ngay khi đặt chân về tới nhà mình.
Giọng bà Vân nhỏ lại: “Tôi đã sốc, căn nhà bán chịu lấy tiền đi buôn dạo trước giờ đã bị chiếm mất. Chồng chết từ ngày tôi còn trong trại, mẹ cũng vừa chết trước đó vài tháng, 2 đứa con không ai nuôi phải đi ở chăn trâu, bế em bên huyện cạnh. Tôi mất tất cả, chỉ còn hai bàn tay trắng”.
Nghiến chặt răng đến tứa máu, bà quẩy đôi quang gánh với mấy cái xoong, thứ tài sản duy nhất còn lại dắt hai đưa con vào tận cùng xóm Vặc xã Dân Hạ khai phá đồi hoang tìm kế sinh nhai mới.
Xóm Vặc khi đó là một vạt rừng heo hút, căng tạm tấm áo mưa làm lều, ngày ngày ba mẹ con bà thức khuya dậy sớm ra sức khai phá trồng trọt. Thực ra, vùng đất này trước đây bà con Hà Tây đã từng lên khai hoang. Nhưng bị sốt rét, bệnh tật hành hạ nên đã bỏ về gần hết để trơ lại những quả đồi khô cằn.
Nhớ lại những ngày đầu tiên bà Vân rùng mình: “Đêm đêm, mấy mẹ còn nằm nghe rõ tiếng nai tác ngoài rừng, thỉnh thoảng rắn rết trườn qua.
Có đêm, giữa rừng tối đen, beo còn lởn vởn tìm về. Mấy mẹ con phải choàng dậy khua xoong nồi, đốt lửa hò hét nhau để đuổi”. Cực trăm lần cực, ban ngày thì nắng gắt, muỗi, vắt… cứ lần hồi sống như thế hàng năm trời mẹ con bà đã khai phá được mấy chục hecta rừng để trồng keo, rồi chặn suối làm ao thả cá.
Bây giờ bà Vân đang ở trong căn biệt thự mới xây trị giá gần 3 tỷ. Bà cho biết: “Hơn hai chục năm tôi sống trong rừng, sống nhờ rừng. Tôi xây biệt thự ở đây, xây khu nhà cho công nhân bên cạnh cũng là tiện luôn cho việc quản lý”. Khoát tay lên mấy quả đồi phía trước, bà kể: “Trên kia là 45 ha rừng keo, rừng quế tôi trồng, giá thị trường hiện nay là 80 triệu/ha, lại còn bao nhiêu ao cá chú bảo không có mặt ở đây sao quản lý nổi?”.
Bà Vân đưa khách xuống khu nhà mới dựng cho công nhân. Bà nói: “Ngót 40 công nhân trồng rừng của tôi phần nhiều đều là con em dân tộc. Thất học, không nghề ngỗng. Tôi kéo về làm, trả lương cao hơn mức bình quân ở đây, nuôi cơm 3 bữa, ốm đau, lễ tết, thưởng phạt đầy đủ, thế nên chúng chẳng phàn nàn gì”.
Tính đến nay, bà đã dựng vợ gả chồng cho 7 cặp công nhân. Thế nên công nhân gắn bó với bà lắm. Ai xác định lập nghiệp ở đây, bà giúp cho vốn liếng, bày cho cách làm ăn rồi mà sinh con đẻ cái. 4 cửa rừng hiện nay của bà đều có trạm gác giao hẳn cho 4 gia đình công nhân trông coi, ngựa bà nuôi cả đàn làm phương tiện tuần tra.
Rồi bà vỗ trán: “Có mấy đứa làm với tôi trước đây, về quê cũng đã thành ông chủ rồi đấy. Về lập trang trại, rèn quân y chang cách của tôi. Bây giờ có của ăn của để, thỉnh thoảng lại đưa vợ con xuống đây thăm bà”.
Ông chủ tịch xã Dân Hạ tiết lộ: "Hiện có hàng chục tỷ trong tay, bà Vân là tỷ phú chân đất duy nhất ở cái huyện này giàu lên từ rừng".
(Theo An Ninh Thủ Đô)