Theo Fortune, các chuyên gia và tỷ phú công nghệ vẫn có quan điểm trái ngược về AI. Từ năm ngoái, Elon Musk đã chỉ trích OpenAI đi chệch sứ mệnh ban đầu. "Đúng như tên gọi, OpenAI được tạo ra như một nguồn mở, đây là công ty phi lợi nhuận, sinh ra để làm đối trọng với Google, nhưng giờ nó lại trở thành nguồn lợi nhuận quan trọng của Microsoft", Musk cho hay.
Tuy nhiên, tranh cãi đang lên đỉnh điểm trong tuần qua sau khi Musk nộp đơn kiện OpenAI và Sam Altman. Bắt đầu từ 3/3, hai tỷ phú và nhà đầu tư nổi tiếng trong lĩnh vực công nghệ là Vinod Khosla và Marc Andreessen "khẩu khiến" về AI tạo sinh, nhất là siêu trí tuệ nhân tạo AGI, nên là nguồn mở hay không.
Trên X, Khosla ca ngợi OpenAI và Sam Altman: "Tôi biết Altman từ những ngày đầu OpenAI thành lập và hoàn toàn ủng hộ anh ấy và công ty. Vụ kiện đang làm xao lãng mục tiêu đạt tới AGI và lợi ích của nó".
Andreessen tỏ ra không hài lòng, nói OpenAI đã từ bỏ định hướng phát triển AI nguồn mở trước đây của mình. Theo ông, Khosla chỉ đang "vận động hành lang để cấm nghiên cứu nguồn mở" về AI.
Andreessen là nhà sáng lập quỹ Andreessen Horowitz (a16z) chuyên đầu tư mạo hiểm và từ lâu ủng hộ ý tưởng AI nguồn mở. Ông bác bỏ những lo ngại trước các ý kiến coi AI là "độc hại" nếu trở thành nguồn mở.
"Mọi công nghệ mới và quan trọng nhằm nâng cao phúc lợi của con người đều được chào đón. Đây chỉ là một trong những công nghệ mới nhất", Andreessen nói về AI trên X.
Trong khi đó, Khosla, nhà đồng sáng lập công ty phần mềm và linh kiện bán dẫn Sun Microsystem và đứng đầu quỹ đầu tư Khosla Ventures, lại có xu hướng nhìn AI qua lăng kính địa chính trị và an ninh quốc gia hơn là kinh doanh. Trước đây, ông từng nói mình tin sự cạnh tranh AI giữa Mỹ và Trung Quốc "sẽ leo thang thành một cuộc chiến kinh tế công nghệ". Tại hội nghị Brainstorm Tech cuối năm ngoái, Khosla cho biết cuộc chạy đua về AI giữa Mỹ và Trung Quốc "cuối cùng sẽ quyết định siêu cường nào sẽ tạo ảnh hưởng chính trị trên toàn thế giới".
Về các ý kiến mà Andreessen nhằm vào ông, Khosla cho biết việc đặt cược vào công nghệ mới có rủi ro cao, do đó nên được kiểm soát.
"Anh có mở nguồn Dự án Manhattan không?", Khosla đặt câu hỏi, nhắc đến dự án nghiên cứu và phát triển bom nguyên tử đầu tiên trong Thế chiến II. "Vấn đề đó nghiêm trọng với an ninh quốc gia".
Trong khi đó, dẫn chính nội dung Dự án Manhattan, Andreessen nêu mối lo ngại về các giao thức an toàn của OpenAI. Ông cho rằng dự án phát triển bom nguyên tử và những gì công ty Sam Altman đang làm "không cùng mức độ an ninh", như về quy trình kiểm tra nghiêm ngặt, giám sát nội bộ liên tục, tăng cường cơ sở vật chất và lính bảo vệ có vũ trang 24/7.
Cuộc tranh luận trở nên gay gắt khi chuyển sang việc khám phá liệu có nên cho phép bất kỳ ai theo đuổi bất kỳ hình thức nghiên cứu AI nào hay không, hoặc liệu các phiên bản tiên tiến nhất của nó có nên giao cho chính phủ không. Nhưng có một điểm chung giữa cả hai là đều không muốn cấm triệt để các nghiên cứu nguồn mở hoặc nguồn đóng.
Yann LeCun, Giám đốc AI tại Meta và là một trong những người đặt nền móng cho sự phát triển trí tuệ nhân tạo, cũng tham gia cuộc tranh luận: "Không ai yêu cầu cấm AI nguồn đóng. Nhưng lại có một số người đang vận động mạnh mẽ các chính phủ để cấm hoặc hạn chế AI nguồn mở. Một số viện dẫn an ninh quân sự và kinh tế. Những người khác lại ảo tưởng về rủi ro hiện hữu".
Elon Musk cũng lên tiếng và đứng về phe nguồn mở với Andreessen. "Chắc chắn sẽ dễ dàng để một nhà nước đánh cắp IP của họ", Musk trả lời bài đăng của về bảo mật tại OpenAI.
Đáp lại, Khosla gọi quyết định kiện OpenAI của Musk là "nho chua". CEO Tesla và SpaceX sau đó phản hồi rằng Khosla "không biết mình đang nói về điều gì".
Theo Bloomberg, quỹ Khosla Ventures là nhà tài trợ lâu năm cho OpenAI, gồm 50 triệu USD năm 2019. Do đó, trước vụ kiện của Musk và các chỉ trích của tỷ phú gốc Nam Phi với OpenAI, Khosla không mấy vui vẻ.
"Như người ta nói, nếu bạn không thể đổi mới, hãy kiện tụng và đó là những gì chúng ta đang thấy ở đây", Khosla viết trên X, gắn thẻ cả Musk và OpenAI.
"AI không nên bị chậm lại", Khosla nhấn mạnh. Sau đó, không có thêm ý kiến nào từ các bên.
Thuật ngữ nguồn mở (open source) xuất hiện từ khi lĩnh vực phần mềm ra đời, trong đó phần mã nguồn của một hệ thống được phát hành công khai trên các nền tảng chia sẻ, có thể truy cập rộng rãi, bất kỳ ai cũng có thể nghiên cứu, sửa đổi và phát triển ứng dụng trên đó.
Bảo Lâm