Theo Bloomberg Billionaires Index, Gautam Adani hiện sở hữu 105 tỷ USD, là người giàu thứ 10 thế giới và giàu nhất châu Á. Với việc tài sản tăng 28,2 tỷ USD, ông hiện cũng là tỷ phú kiếm tiền giỏi nhất thế giới năm nay.
Adani làm giàu từ than đá và đang tích cực mở rộng ra ngoài mảng nhiên liệu hóa thạch. Ông đã lấn sân năng lượng tái tạo, sân bay, trung tâm dữ liệu và nhà thầu quốc phòng. Đây là các lĩnh vực ưu tiên được Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi cho là quan trọng với việc xây dựng và phát triển kinh tế dài hạn.
Adani từng bỏ dở đại học, thử vận may trong ngành kim cương ở Mumbai đầu thập niên 80. Sau đó, ông quay về quê nhà ở Gujarat để giúp anh trai điều hành công ty nhựa. Năm 1988, ông thành lập Adani Enterprises.
Phần lớn tài sản của ông hình thành trong 2 năm gần đây, nhờ chuyển đổi sang năng lượng xanh và cơ sở hạ tầng. Việc này đã giúp Adani thu hút đầu tư từ các công ty như Total (Pháp) và Warburg Pincus (Mỹ). Một nguồn tin thân cận với Bloomberg cho biết Adani đang tìm hiểu việc hợp tác với Saudi Arabia – nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới.
Việc phát triển các mảng kinh doanh phù hợp với định hướng của Thủ tướng Narenda Modi giúp các công ty của Adani ăn nên làm ra. Một số cổ phiếu công ty thuộc Adani Group đã tăng hơn 1.000% kể từ năm 2020.
2021 là năm ấn tượng với giới giàu, khi 500 người giàu nhất thế giới có thêm hơn 1.000 tỷ USD. Tuy nhiên, tỷ phú Ấn Độ 59 tuổi vẫn rất nổi bật, với tài sản tăng 42,7 tỷ USD – thuộc top lớn nhất thế giới. Tháng 2 năm nay, ông còn vượt Mukesh Ambani để trở thành người giàu nhất châu Á.
Tài sản của các tỷ phú phình to rất nhanh trong vài năm qua. Năm 2017, Jeff Bezos của Amazon là người đầu tiên chạm mốc 100 tỷ USD sau Bill Gates năm 1999. Elon Musk – người giàu nhất thế giới hiện tại với 288 tỷ USD – đạt mốc này năm 2020.
Hà Thu (theo Bloomberg)