Ông Lê Mỹ Phong, Phó cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) hôm nay cho biết, so với hai năm 2020 và 2021, tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp gần tương đương. Điều này được dự đoán từ trước do đề thi năm nay có cấu trúc và nội dung giảm tải tương tự, phù hợp với bối cảnh học sinh bị gián đoạn việc học trực tiếp do ảnh hưởng bởi Covid-19. Xét trên kết quả 9 môn thi tốt nghiệp THPT, chuyên gia nhận định về cơ bản phổ điểm các môn vẫn giữ được sự ổn định như năm ngoái.
Nhiều tỉnh, thành có tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp trên 99% như Sơn La (99,6%), Ninh Bình (99,49%), Đồng Tháp (99,38%), Điện Biên (99,24%). Tỷ lệ tốt nghiệp của Hà Nội đạt 99,1%, trong đó có 104 đơn vị, trường học đạt 100%.
Để được xét công nhận tốt nghiệp, thí sinh cần đạt điểm tất cả bài/môn thi trên 1 và có điểm xét tuyển từ 5 trở lên. Điểm xét tuyển được tính theo công thức:
Năm 2022, cả nước có 1.094 bài thi ở 9 môn thi tốt nghiệp THPT bị điểm liệt (từ 1 trở xuống). Tính từng môn, tỷ lệ điểm liệt chiếm 0,01-0,02%. So với năm ngoái, tổng bài thi bị điểm liệt giảm hơn 100 bài. Môn Tiếng Anh có số bài thi bị điểm liệt nhiều nhất với 423 bài.
Theo quy chế, thí sinh có bài thi bị điểm liệt sẽ trượt tốt nghiệp. Kỳ thi năm nay ghi nhận một số em đạt tổng điểm ba môn xét tuyển đại học trên 20 nhưng không đủ điều kiện tốt nghiệp THPT do có bài thi bị từ 1 điểm trở xuống.
Như trường hợp nam sinh trường THPT chuyên Phan Ngọc Hiển (Cà Mau), do ngủ quên tại phòng thi trong buổi thi Tiếng Anh và không tô đáp án vào phiếu trả lời trắc nghiệm, em bị 0 điểm môn này. Dù đạt 26,5 điểm xét tuyển tổ hợp A00 (Toán 8, Vật lý 9,5, Hóa 9), em không thể đăng ký nguyện vọng vào trường đại học nào do trượt tốt nghiệp.