Báo cáo tình hình việc làm của thanh niên giai đoạn 2020-2025, Ủy ban Văn hóa Giáo dục dẫn thống kê cho thấy số thanh niên giảm mạnh kéo theo lực lượng lao động này giảm từ 12,55 triệu năm 2020 xuống 10,6 triệu vào năm 2022. Lao động trong độ tuổi (15-24) mỗi năm giảm bình quân 170.000, khoảng 2,1%.
Nguyên nhân là già hóa dân số nhanh. Việt Nam mất 25 năm để chuyển từ giai đoạn già hóa dân số (nhóm từ 60 tuổi trở lên chiếm 10%) sang giai đoạn dân số già (nhóm từ 60 trở lên chiếm 20%), trong khi các nước phát triển mất lâu hơn, thậm chí gần thế kỷ.
Mức sinh của Việt Nam giảm mạnh dẫn đến nguy cơ thiếu hụt nguồn lao động. Số con trung bình của phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ năm 2001 là 2,28 giảm còn 2,1 vào năm 2021. Phụ nữ TP HCM hiện có mức sinh thấp nhất cả nước, bình quân chỉ 1,39 con. Quy mô gia đình nhỏ dần, gia đình 3-4 thế hệ ngày càng ít.
Theo thống kê, tỷ lệ lao động thanh niên qua đào tạo tăng chậm hàng năm. Tỷ lệ có bằng cấp chứng chỉ chiếm hơn 26%, còn lại chưa qua đào tạo. Công nhân kỹ thuật bậc cao rất khan hiếm trong khi một số ngành bậc trên đại học, cử nhân, kỹ sư nhiều hơn so với nhu cầu. Hơn 73% lao động thanh niên Việt Nam làm việc trong lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, nông lâm thủy sản.
Ủy ban Văn hóa Giáo dục đánh giá thực trạng trên là "dấu hiệu đáng lo ngại về thế hệ lao động tương lai", trở thành thách thức lớn đối với Việt Nam trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khi hội nhập kinh tế thế giới.
Dự báo Việt Nam chấm dứt hoàn toàn thời kỳ dân số vàng vào năm 2038, Ủy ban Văn hóa Giáo dục đề nghị các bộ ngành liên quan nghiên cứu chính sách nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trẻ trong đào tạo lẫn hỗ trợ việc làm; sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội cần hạn chế tình trạng rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần khi còn trong độ tuổi lao động.
Thống kê giai đoạn 2016-2021, trên 80% lao động rút BHXH một lần trong độ tuổi 20 đến dưới 40. Trong khi đó độ bao phủ an sinh tăng chậm, mới đạt 38% lực lượng lao động trong độ tuổi.
Phương Hà