Vào năm 2021, tỷ lệ này được Hàn Quốc ghi nhận là 0,81, thấp nhất trong hơn 260 quốc gia được Ngân hàng Thế giới theo dõi lúc đó, làm trầm trọng thêm những thách thức về dân số già đối với nền kinh tế.
Văn phòng Thống kê cho biết số trẻ sơ sinh giảm từ 260.600 bé vào năm 2021 xuống còn 249.000 vào năm 2022. Nước này ghi nhận khoảng 373.000 người chết năm ngoái. Nhiều nhà hoạch định chính sách gọi đây là "điểm giao tử".
Hàn Quốc là nước có dân số giảm nhanh nhất thế giới, xét riêng các nền kinh tế có tổng sản phẩm quốc nội bình quân đầu người từ 30.000 USD trở lên, theo nhận định của Liên Hợp Quốc và dữ liệu của Ngân hàng Thế giới. Đến năm 2100, dân số nước này được dự đoán sẽ giảm 53%, xuống còn 24 triệu người.
Độ tuổi trung bình của phụ nữ sinh con đầu lòng ở Hàn Quốc đã tăng lên 33 vào năm ngoái. Số người quyết định sinh con thứ hai giảm 16,8%. Theo khu vực, thủ đô Seoul có tỷ lệ sinh thấp nhất, ở mức 0,59. Sejong, nơi đặt trụ sở Chính phủ, có tỷ lệ sinh cao nhất, ở mức 1,12, theo Văn phòng Thống kê Quốc gia.
Việc thiếu trẻ sơ sinh mang đến những rủi ro dài hạn cho nền kinh tế, làm giảm quy mô của lực lượng lao động, ảnh hưởng đến sự tăng trưởng và sức sống của nhiều ngành nghề. Chi tiêu phúc lợi cho dân số già cũng làm cạn kiệt ngân sách quốc gia, đáng lẽ có thể được sử dụng để nghiên cứu phát triển và thúc đẩy hoạt động của các doanh nghiệp.
Lực lượng lao động bị thu hẹp là nguyên nhân chính khiến tốc độ tăng trưởng tiềm năng của Hàn Quốc giảm sút. Dân số trong độ tuổi lao động đạt đỉnh là 37,3 triệu người vào năm 2020, dự kiến giảm gần một nửa vào năm 2070, theo Văn phòng Thống kê Quốc gia.
Các nhà lãnh đạo Hàn Quốc đã tăng những khoản hỗ trợ để khuyến khích người dân sinh nhiều con hơn. Mới đây, Tổng thống Yoon Suk-yeol phê duyệt chính sách tăng mức trợ cấp cho các bà mẹ mới sinh lên ba lần.
Chính phủ cũng áp dụng chiến lược sống chung với dân số già sau khi thấy các nỗ lực không mang lại nhiều kết quả. Giới chức tập trung cải thiện đời sống cho những người về hưu, đẩy nhanh việc sử dụng robot và chiêu mộ lực lượng lao động nước ngoài.
Thục Linh (Theo SCMP)