Cơ quan Thống kê Hàn Quốc ngày 28/2 công bố số liệu cho thấy tỷ lệ sinh trung bình của một phụ nữ Hàn Quốc giảm từ mức 0,78 năm 2022 xuống mức thấp kỷ lục 0,72 năm 2023. Đây là năm thứ 4 liên tiếp tỷ lệ sinh ở Hàn Quốc suy giảm.
Con số này thấp hơn nhiều so với mức khuyến cáo 2,1 để đảm bảo dân số ổn định. Kể từ năm 2018, Hàn Quốc là thành viên duy nhất của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) có tỷ lệ sinh thấp hơn 1, dù chính phủ đã chi hàng tỷ USD trong nỗ lực đảo ngược xu hướng này.
Hàn Quốc cũng là quốc gia có chênh lệch mức lương theo giới tính lớn nhất trong khối OECD. Mức lương của phụ nữ chỉ bằng 2/3 đàn ông.
"Phụ nữ thường không thể dựa vào kinh nghiệm để thăng tiến bởi thường xuyên là người duy nhất chăm sóc con cái và cần thời gian tái hòa nhập lực lượng lao động sau thời gian nghỉ phép dài", Jung Jae-hoon, giáo sư Đại học Phụ nữ Seoul, nói.
Gwak Tae-hee, 34 tuổi, quản lý của một công ty sản xuất sữa ở Hàn Quốc, đã lập gia đình ba năm, cho biết "tôi dự định sinh con nhưng có nhiều cơ hội thăng tiến mà tôi không muốn bỏ qua".
Năm ngoái cô cân nhắc thụ tinh ống nghiệm, nhưng cuối cùng từ bỏ để tham gia vào các dự án để nâng cao triển vọng nghề nghiệp.
"Tôi không biết ở chỗ khác thế nào nhưng chỉ làm việc hai hoặc ba ngày một tuần sẽ không đưa bạn tới đâu trong các công ty Hàn Quốc. Tôi hy vọng không quá muộn khi có con vào năm sau", Gwak nói.
Cuộc khủng hoảng nhân khẩu học ở Hàn Quốc đã trở thành rủi ro hàng đầu đối với tăng trưởng kinh tế và hệ thống phúc lợi xã hội, bởi dân số 51 triệu người của Hàn Quốc có nguy cơ giảm một nửa vào cuối thế kỷ 21.
Hàn Quốc từng dự đoán tỷ lệ sinh của đất nước giảm xuống 0,68 vào năm 2024. Thủ đô Seoul, nơi có chi phí nhà ở cao nhất, năm ngoái ghi nhận tỷ lệ sinh thấp nhất trong lịch sử là 0,55.
Trước thềm cuộc bầu cử tháng 4, các đảng phái chính trị lớn ở Hàn Quốc cam kết sẽ có thêm nhiều nhà ở xã hội, nới lỏng cho vay để khuyến sinh và xoa dịu nỗi lo "đất nước sẽ tuyệt chủng" khi tỷ lệ sinh suy giảm.
Kết hôn được coi là điều kiện tiên quyết để có con ở Hàn Quốc nhưng tỷ lệ kết hôn ở quốc gia này cũng đang giảm. "Có người không lập gia đình nhưng chúng tôi đang cố gắng lý giải nguyên nhân các đôi vợ chồng không sinh con. Tôi hiểu rằng giải quyết vấn đề này sẽ là trọng tâm trong chính sách khuyến sinh", một quan chức của cơ quan thống kê Hàn Quốc phát biểu.
Hàn Quốc đã chi hơn 270 tỷ USD cho công tác khuyến sinh từ năm 2006 tới nay nhưng không thể đảo ngược xu hướng. Hàn Quốc không phải là quốc gia duy nhất trong khu vực đang phải vật lộn với tình trạng dân số già đi nhanh chóng.
Nhật Bản, quốc gia láng giềng, ngày 27/2 cho biết số trẻ em sinh ra năm 2023 đã giảm năm thứ 8 liên tiếp xuống mức chưa từng có là 758.631. Tỷ lệ sinh ở Nhật Bản rơi xuống mức thấp kỷ lục 1,26 năm 2022, trong khi Trung Quốc ghi nhận tỷ lệ 1,09, cũng là mức thấp nhất lịch sử.
Hồng Hạnh (Theo Reuters)