Tỷ lệ cử tri đi bầu này thấp hơn nhiều so với mức kỷ lục 58,3% trong cuộc bầu cử Hội đồng Lập pháp gần đây nhất năm 2016. Đây là lần đầu tiên người Hong Kong đi bỏ phiếu bầu thành viên Hội đồng Lập pháp kể từ khi Bắc Kinh cải cách hệ thống bầu cử của đặc khu, với quy định chỉ những "người yêu nước" mới đủ tiêu chuẩn lãnh đạo thành phố.
Kết quả kiểm phiếu sơ bộ cho thấy những ứng viên ủng hộ Bắc Kinh sẽ giành toàn bộ 90 ghế trong Hội đồng Lập pháp thành phố. Những ứng viên theo đường lối ôn hòa hoặc không ủng hộ chính quyền trung ương ở Bắc Kinh sẽ thua với cách biệt lớn.
Các cơ quan bầu cử của thành phố cho biết quá trình kiểm phiếu sẽ kết thúc trong trưa nay.
Hội đồng Lập pháp Hong Kong có các chức năng chính là ban hành, sửa đổi hoặc bãi bỏ luật, kiểm tra, phê duyệt ngân sách, thuế và chi tiêu công, chất vấn về hoạt động của chính quyền. Ngoài ra, hội đồng cũng được trao quyền chứng thực bổ nhiệm và bãi nhiệm các thẩm phán cũng như quyền kết tội trưởng đặc khu.
Hong Kong sẽ bầu 90 người vào Hội đồng Lập pháp từ 153 ứng viên. Tuy nhiên, chỉ 20 thành viên do cử tri các khu vực bầu trực tiếp, 40 người do ủy ban bầu cử lựa chọn, 30 thành viên do các hội ngành hoặc nhóm lợi ích đặc biệt, chủ yếu là những người thân Bắc Kinh, bầu ra.
Quốc hội Trung Quốc hồi tháng 3 công bố những thay đổi sâu rộng đối với hệ thống bầu cử Hong Kong, trong đó có giảm số ghế được bầu trực tiếp và thành lập ủy ban kiểm duyệt để sàng lọc tất cả ứng viên, nhấn mạnh rằng chỉ "những người yêu nước" mới có thể điều hành thành phố.
Một số chính phủ nước ngoài, trong đó có Mỹ, Anh, cho rằng những thay đổi về bầu cử đã làm giảm tính dân chủ của đặc khu hành chính.
Tuy nhiên chính quyền Trung Quốc và Hong Kong bác bỏ những cáo buộc này, khẳng định những thay đổi về bầu cử và luật an ninh quốc gia có hiệu lực vào năm ngoái là cần thiết để tăng cường khả năng quản trị của đặc khu và khôi phục ổn định sau các cuộc biểu tình năm 2019.
Huyền Lê (Theo SCMP)