Inclusive Internet Index đã thực hiện khảo sát tại 86 quốc gia có tổng dân số chiếm 91% dân số thế giới và nhận thấy ở các nước phát triển và đang phát triển, nơi trình độ dân trí cao, tỷ lệ sử dụng Internet ở mức khá lớn, như châu Mỹ hay châu Âu đều hơn 65%.
Chỉ riêng châu Mỹ có tỷ lệ nữ giới dùng Internet lên tới 66,7%, cao hơn mức 65,1% của nam giới. Tuy nhiên, bức tranh diễn ra khác hẳn ở các khu vực còn lại, nhất là tại các nước nghèo.
Tỷ lệ sử dụng có thể lên tới 2:1, tức trung bình cứ hai người đàn ông mới có một phụ nữ truy cập Internet. Báo Guardian cho rằng có nhiều nguyên nhân cho sự chênh lệch này. Trên toàn cầu, phụ nữ ít được tiếp cận với giáo dục hơn và ít có cơ hội tham gia làm việc chuyên nghiệp hơn. Cơ hội kiếm được việc làm của họ thấp hơn một phần tư so với nam giới và không ngạc nhiên khi việc sử dụng Internet cũng ít hơn.
Một trong những khu vực có mức chênh lệch cao nhất là châu Phi. Điện thoại di động bắt đầu phổ biến giúp người dân truy cập Internet dễ dàng, nhưng giá cước không hề rẻ. Phí trả trước 1 GB dữ liệu di động mỗi tháng chiếm khoảng 10% thu nhập.
Để thu hút khách hàng, các nhà mạng châu Phi thường có xu hướng cung cấp những gói dữ liệu chuyên biệt cho truyền hình, thể thao..., thường là nội dung mà nam giới xem nhiều hơn. Với nhiều gia đình nghèo, đàn ông có thể là người duy nhất sở hữu điện thoại di động.
Ngoài ra, do công việc chăm sóc gia đình, phụ nữ có ít thời gian rảnh rỗi hơn và đa số cho rằng việc lên mạng là vô ích theo khảo sát của Web Foundation ở 10 nước đang phát triển.
Tư tưởng trọng nam khinh nữ cũng là một phần lý do khiến đàn ông hay truy cập Internet hơn. Trong một khảo sát của Web Foundation tại New Delhi (Ấn Độ) và Manila (Philippines), nhiều nam giới cho rằng phụ nữ nên hạn chế lên mạng, trong khi số khác đồng ý với quan điểm phụ nữ không nên sử dụng Internet nơi công cộng, như quán cafe.
Lo ngại quấy rối cũng là nguyên nhân. Thống kê của Pew Research Center cho thấy 1/4 phụ nữ trẻ là mục tiêu của quấy rối tình dục trực tuyến. Ở Nairobi (Kenya) hay Kampala (Uganda), việc bị quấy rối đang ở mức "đáng báo động".
Bảo Lâm