Báo cáo thị trường văn phòng từ công ty tư vấn bất động sản Knight Frank cho thấy 9 tháng đầu năm, TP HCM ghi nhận 96.400 m2 văn phòng được hấp thụ (tương đương 13.700 chỗ ngồi làm việc được thuê). Con số này vượt xa kỷ lục cũ 81.300 m2 ghi nhận trong năm 2019, đánh dấu tỷ lệ hấp thụ thuần cao nhất trong vòng 10 năm qua.
Còn theo số liệu của hãng tư vấn bất động sản Cushman & Wakefield, chỉ tính riêng quý III, thành phố đã ghi nhận diện tích hấp thụ thuần đạt gần 40.000 m2, gộp chung hai quý gần nhất, tỷ lệ hấp thụ thuần đã trên 75.000 m2.
9 tháng đầu năm, thị trường văn phòng cho thuê TP HCM đón nhận sự tăng trưởng tích cực cả về nguồn cung và tỷ lệ lấp đầy. Theo đó, diện tích văn phòng đã vượt mốc 1,5 triệu m2, tăng 4,5% theo quý và 6,1% theo năm. Trong đó, nguồn cung hạng A chiếm gần một phần ba tổng nguồn cung toàn thành phố. Tỷ lệ lấp đầy trung bình đạt 88-95%.
Theo Knight Frank, nhu cầu thuê văn phòng TP HCM tăng trưởng mạnh nhờ sự đóng góp từ nhóm khách thuê ngành công nghệ thông tin, công nghệ, dược phẩm, tài chính và ngân hàng. Trong đó nhóm starup công nghệ khối nội địa và các tập đoàn đa quốc gia đang dẫn đầu nhu cầu tìm kiếm không gian văn phòng hiện đại. Các doanh nghiệp ngành dược cũng đóng góp phần lớn nhu cầu trong phân khúc văn phòng cao cấp nhờ vào làn sóng đầu tư cho y tế ngày càng lớn mạnh. Còn khối ngân hàng phát sinh nhu cầu mở rộng diện tích thuê và tìm kiếm những mặt bằng tích hợp nhiều giải pháp thông minh.
Giá thuê văn phòng TP HCM khá cao, trung bình gần 60 USD (tương đương 1,5 triệu đồng) mỗi m 2 một tháng với tòa nhà hạng A và 35 USD (khoảng 875.000 đồng) mỗi m2 một tháng với hạng B, tăng 2-2,6% so với cùng kỳ, nhưng các chủ tòa nhà đã áp dụng nhiều hình thức ưu đãi như tăng thời gian miễn phí thuê, hỗ trợ chi phí hoàn thiện nội thất.... Nhờ vậy, các tòa nhà có thể nâng cao tỷ lệ lấp đầy mà không cần hạ giá thuê niêm yết. Biện pháp trên còn giúp thị trường tránh được cơn "sốt" giá.
Ông Nguyễn Trường Anh, Trưởng Bộ phận nghiên cứu Knight Frank, cho biết hiệu suất kỷ lục của thị trường văn phòng TP HCM phản ánh khả năng phục hồi kinh tế và sức hút ngày càng tăng của thành phố với các nhà đầu tư toàn cầu. Nhờ nhu cầu ổn định trong các lĩnh vực then chốt và số lượng dự án văn phòng cao cấp ngày một nhiều, thành phố đang củng cố vị thế là một trong những trung tâm thương mại hàng đầu ở Đông Nam Á.
Đánh giá về xu hướng thuê văn phòng trong năm qua, Knight Frank nói nhiều giao dịch thuê quy mô lớn trong ba quý đầu năm được dành cho các tòa nhà mới khánh thành, chủ yếu do nhu cầu chuyển văn phòng của các doanh nghiệp. Khách thuê cũng chuộng dịch chuyển sang không gian văn phòng chất lượng cao; ưu tiên tìm đến những tòa nhà có chứng chỉ xanh, trang bị tiện ích hiện đại.
Có thể điểm qua một số giao dịch đáng chú ý như ông lớn ByteDance từ Trung Quốc thuê mặt bằng ở tòa nhà The Nexus (quận 1); Tập đoàn dược GSK Pharma mở rộng văn phòng tại The Metropolitan (quận 1); ông lớn ngành chip Marvell và Simpson Strong-Tie đều của Mỹ, thuê chung mặt bằng tại tòa nhà e.town 6, quận Tân Bình.
Ngoài ra, khu vực quận 2 trước đây (nằm đối diện với quận 1 nhưng phía bên kia sông Sài Gòn) tiếp tục củng cố vị thế là điểm đến văn phòng cao cấp. Trong đó, dự án The METT thu hút khách thuê chất lượng cao như ngân hàng Shinhan Bank của Hàn quốc và CIMB, tập đoàn tài chính, ngân hàng hàng đầu của Malaysia.
Bên cạnh đó, nhu cầu thuê đang dịch chuyển sang các dự án ngoại thành thuộc Tân Bình, Tân Phú... Chẳng hạn như tòa nhà OfficeHaus (Tân Phú) tăng trưởng mạnh với tỷ lệ lấp đầy từ 10% lên 75% chỉ trong 9 tháng đầu năm; dự án Cobi Tower 1 cũng có 90% lấp đầy trong quý 3, tăng 55% so với cùng kỳ năm ngoái nhờ giá thuê cạnh tranh và vị trí thuận tiện.
Dự báo diễn biến thị trường văn phòng TP HCM thời gian tới, ông Nguyễn Trường Anh cho biết do có nhiều trì hoãn trong quy trình pháp lý và cấp phép suốt 2 năm qua nên năm tới, nguồn cung văn phòng dù có tăng thêm cũng sẽ hạn chế ở khu vực trung tâm và chỉ cải thiện hơn với các vùng ngoại thành. Khu vực trung tâm sẽ vẫn có tỷ lệ hấp thụ thuần và tỷ lệ lấp đầy cao, còn những tòa nhà ở khu ngoại thành sẽ đối mặt cạnh tranh lớn hơn.
Tương tự, bà Giang Huỳnh, Giám đốc nghiên cứu thị trường SM22, dự báo từ nay đến năm 2025, nguồn cung mới khu vực trung tâm vẫn khan hiếm và phải đến năm 2026 thành phố mới có thêm 2 tòa nhà văn phòng hạng A tại khu vực trung tâm và 1 tòa nhà hạng B tại khu vực rìa trung tâm, tổng nguồn cung dự kiến hơn 100.000 m2 sàn.
Thị trường văn phòng toàn cầu đang hướng tới xu hướng văn phòng thông minh với ứng dụng công nghệ giúp nâng cao trải nghiệm của khách thuê, nhân viên văn phòng. Chứng nhận xanh cũng sẽ là xu hướng chung của các dự án văn phòng cao cấp khi khách thuê đặt yếu tố này lên thành tiêu chí quan trọng để lựa chọn. 63% nguồn cung hạng A và B sắp khai trương tại TP HCM sẽ tập trung đáp ứng các tiêu chuẩn này để làm hài lòng "thượng đế".
Phương Uyên