Thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, năm học 2016 -2017, cả nước có hơn 72.700 giảng viên thuộc 235 cơ sở giáo dục đại học công lập và ngoài công lập; hơn 16.500 người trong số đó có trình độ tiến sĩ, chiếm 22,7%.
Trong gần 3.500 giảng viên của 33 trường cao đẳng sư phạm, chỉ có 120 người trình độ tiến sĩ. "Tại một số cơ sở giáo dục đại học và các trường cao đẳng sư phạm có các khoa, bộ môn đặc thù như: giáo dục thể chất, giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học, bộ môn nghệ thuật, bộ môn ngoại ngữ, tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ rất thấp, một số nơi không có", Bộ Giáo dục nêu.
Số lượng giảng viên có trình độ tiến sĩ của Việt Nam, theo đánh giá của Bộ Giáo dục và Đào tạo còn thấp so với khu vực và thế giới. Bộ dẫn chứng, ở Malaysia từ năm 2010 tỷ lệ tiến sĩ trên tổng số giảng viên các trường đại học là 73%; Sri Lanka năm 2015 là 55%.
Con số này ở Anh năm 2012 là trên 50%, một số trường hợp trên 80%; tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ tại Ai Cập năm 2006 là trên 70%.
Khảo sát các cơ sở giáo dục Việt Nam về nhu cầu phát triển đội ngũ giảng viên trình độ tiến sĩ giai đoạn 2018-2015, Bộ Giáo dục cho biết, các trường muốn tăng hơn 35.800 giảng viên tiến sĩ, trong đó trên 14.400 người được đào tạo ở nước ngoài.
Bảy nhóm ngành có nhu cầu phát triển giảng viên trình độ tiến sĩ gồm: Khoa học xã hội nhân văn (22,8%); Kỹ thuật - Công nghệ (19,8%); Kinh tế - Quản lý (25,5%); Khoa học tự nhiên; Y - Dược; Nghệ thuật - Thể dục thể thao; Nông lâm ngư.
Kết quả nghiên cứu khoa học của Việt Nam tụt xa các nước
Việt Nam hiện có khoảng 9.000 giáo sư, phó giáo sư và trên 24.300 tiến sĩ, nhưng theo đánh giá của Bộ Giáo dục, "kết quả nghiên cứu khoa học của Việt Nam tụt xa so với các nước trong khu vực ASEAN".
Trong 10 năm (1996-2005) các nhà khoa học Việt Nam chỉ công bố 3.456 công trình nghiên cứu trên các tạp chí thuộc danh mục ISI. Kết quả này bằng 1/5 so với Thái Lan, 1/3 so với Malaysia và 1/4 so với Singapore.
Trong giai đoạn 2006 đến 2010, Việt Nam chỉ có 5 bằng sáng chế được đăng ký tại Mỹ. Số lượng tạp chí khoa học có mã chuẩn quốc tế ISSN xuất bản toàn phần hoặc một phần bằng tiếng Anh ở nước ta cũng "khiêm nhường".
"Xét trên nhiều khía cạnh, năng lực nghiên cứu khoa học của giảng viên các cơ sở giáo dục đại học còn hạn chế, ảnh hưởng tiêu cực đến nâng cao chất lượng đào tạo", tài liệu của Bộ viết.
Từ thực tế số lượng và chất lượng giảng viên có trình độ tiến sĩ thấp, năng lực giảng dạy và kinh nghiêm thực tiễn hạn chế, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng đề án nâng cao năng lực đội ngũ này. Theo dự thảo đề án liên quan, sẽ có khoảng 9.000 giảng viên được đào tạo lên trình độ tiến sĩ; kinh phí cho công tác đào tạo này và bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục đại học là 12.000 tỷ đồng, phần lớn từ ngân sách nhà nước. |