Hàng năm, vào tháng 2, nhiều trường nghệ thuật tại Trung Quốc bắt đầu tổ chức tuyển sinh. Hàng trăm nghìn sĩ tử tranh đua những suất vé ít ỏi để bước chân vào cổng trường, theo đuổi đam mê về các bộ môn nghệ thuật.
Khác với mọi năm, năm nay tại Đại học Truyền thông Trung Quốc - trường có danh tiếng lớn nhất về đào tạo nghệ thuật - khoa Truyền thông Nghệ thuật số cũng mở ra lớp đào tạo chuyên ngành Thể thao điện tử. Theo thống kê, số lượng đơn đăng ký dự thi lên tới con số 985, trong khi chỉ có 20 suất trúng tuyển, tỷ lệ nhập học là 2,2%. Trong đó, càng bất ngờ khi 52% là nam, 48% thí sinh đăng ký là nữ.
Riêng tiền học phí mỗi năm mà thí sinh phải bỏ ra khi theo học tại đây khoảng 8.000 nhân dân tệ, tương đương hơn 26 triệu đồng.
Hou Jun, Giám đốc văn phòng tuyển sinh của trường, cho biết, năm nay con số đăng ký dự thi của chuyên ngành mới đạt mức kỷ lục và gây bất ngờ. "Nhập học chỉ có 20 người, tỷ lệ chọi là 1:45. Dù chỉ là chuyên ngành mới mở nhưng mức độ cạnh tranh đã vô cùng mạnh mẽ".
Theo vị này chia sẻ, một phần ảnh hưởng bắt nguồn từ thành công của đội tuyển DOTA 2 Trung Quốc có tên Wings Gaming tại giải đấu The International 2016, khi từ một vị trí ít tên tuổi bất ngờ giành chức vô địch, mang về số tiền thưởng 9 triệu USD. Sự kiện này đã thổi một luồng gió lớn vào tinh thần của các học sinh trung học, khiến nhiều người nuôi ước vọng tham gia vào ngành công nghiệp game đang trên đà thịnh vượng.
Trong năm qua, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp game, một số chính sách hỗ trợ đã được chính phủ ban hành. Doanh thu bán hàng thực tế từ thể thao điện tử (eSport) đạt 50 tỷ nhân dân tệ, chiếm 30,5% doanh thu của thị trường game Trung Quốc. Do vậy, việc game trở thành trọng tâm đào tạo của nhiều trường đại học càng khiến nhiều người tin tưởng, lạc quan.
Khu vực thi tuyển của chuyên ngành thể thao điện tử nằm trong một góc khuôn viên trường, với rất đông người tới dự tuyển. Đi cùng với các thí sinh là cha mẹ, những người còn tỏ ra lo lắng hơn con cái của mình gấp nhiều lần. Một phần bởi họ đều không hiểu chuyên ngành mà con mình đang cố sức để thi vào là gì.
Nhiều học sinh ở phía ngoài tụ thành nhóm nói chuyện với nhau khá thoải mái về nhiều chủ đề liên quan tới các trò chơi. Khi được hỏi về lý do đăng ký vào chuyên khoa này, nhiều thí sinh cho biết họ "có một tình yêu đặc biệt với game" hoặc nghĩ rằng "vào đây sẽ được chơi game thoải mái". Trong khi đó, các bậc cha mẹ lại quan tâm việc sau này con cái họ sẽ ra làm gì, có thể sớm có việc làm hay không. Phần lớn họ đều không có kiến thức về thị trường game, ngành công nghiệp này cũng như các công việc có thể liên quan. Mục tiêu duy nhất được quan tâm là một suất học đại học cho con cái mình. Không ít học sinh cũng có tư tưởng tương tự.
"Hầu hết thời gian trong trường trung học dành cho việc học tập. Đây chỉ là một phương án dự phòng bởi chúng tôi còn đăng ký thi một số khoa khác tại Học viện Điện ảnh Bắc Kinh", hai thí sinh đến từ Quảng Đông cho biết.
Để khuyến khích các thí sinh, một công ty game lớn đã tuyên bố tài trợ nhiều suất học bổng toàn phần cho những người thi đạt điểm cao, đồng thời hứa tuyển dụng ba sinh viên tốt nghiệp có điểm cao nhất ngay sau khi ra trường. Đại diện công ty này cho biết sau khi ra trường, với kiến thức được đào tạo một cách bài bản, việc tìm một công việc trong tương lai của các sinh viên sẽ không quá khó khăn. Đây cũng là lý do khiến công ty này phải nhanh chân tới "đặt chỗ trước".
Theo Sina, ngành công nghiệp game và xu hướng thể thao điện tử ở Trung Quốc đang có sự phát triển mạnh vài năm gần đây, nhưng bị nhiều chuyên gia đánh giá là không vững chắc khi thiếu những người có chuyên môn hay nhân sự cấp cao. Số lượng game thủ tài năng có thể lớn nhưng những người có tầm nhìn, khả năng quản lý và hiểu biết về game thì thực sự khan hiếm. Đó là lý do thời gian gần đây, hàng loạt trường cao đẳng, đại học trong cả nước liên tiếp mở ra các chuyên ngành đào tạo kiến thức phục vụ cho lĩnh vực thể thao điện tử trong tương lai.
Nhiều cha mẹ dù cho phép con cái họ đăng ký thi tuyển vào chuyên ngành mới mẻ này, tiếp cận giấc mơ đại học nhưng trong lòng vẫn thấp thỏm lo âu. Không ít người sợ rằng trong tương lai, nghề nghiệp này sẽ không được phổ biến.
"Nếu trong lúc các con tôi đang học, một sự thay đổi đột ngột về chính sách của ngành công nghiệp mới này có thể biến tương lai của chúng thành một canh bạc. Kiến thức học được không có chỗ áp dụng, chúng sẽ mãi phải ngồi trên băng ghế dự bị mà thôi", một phụ huynh chia sẻ.