GS. BS. Saijo Yasuo là chuyên gia hàng đầu về ung thư nội khoa với hơn 40 năm kinh nghiệm, từng đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng tại Nhật Bản: Nguyên trưởng khoa Ung thư Nội khoa - Bệnh viện Trường Đại học Y Hirosaki, Giáo sư Bệnh viện Đại học Tohoku. Ông hiện giữ vai trò bác sĩ cấp cao tại Trung tâm Ung bướu AIH của Bệnh viện Quốc tế Mỹ (Bệnh viện AIH). GS. BS. Saijo Yasuo đã chia sẻ với VnExpress về quan điểm của bản thân cũng như những cập nhật mới trong điều trị ung thư hiện nay.
- Ở Việt Nam và nhiều nước trên thế giới, ung thư thường được coi như "cửa tử", chỉ có thể điều trị kéo dài hoặc giảm nhẹ, ông nghĩ sao về quan điểm này?
- Tại Việt Nam, tôi nhận thấy bệnh nhân ung thư vẫn có tỷ lệ tử vong cao. Trong khi đó, ở Nhật Bản, 65% bệnh nhân ung thư có thể sống trên 5 năm và tỷ lệ này tiếp tục cải thiện. Ngay cả bệnh nhân ung thư di căn cũng có thể kéo dài sự sống, một số trường hợp được chữa khỏi. Tôi hy vọng ung thư cũng sẽ được kiểm soát như các bệnh mãn tính khác, như tiểu đường, cao huyết áp...
- Ca bệnh nào khiến ông khó quên nhất trong hơn 40 năm làm nghề?
- Mỗi ca bệnh đều khác nhau, nhưng tôi nhớ mãi bệnh nhân đầu tiên của mình - một ca ung thư phổi di căn gan giai đoạn 4. Ban đầu, anh ấy tin tưởng sẽ vượt qua bệnh. Nhưng 40 năm trước, thuốc hóa trị có nhiều tác dụng phụ, trong khi hiệu quả thấp. Bệnh nhân phải chịu đựng nhiều đau đớn và mất chỉ sau vài tháng điều trị, kiệt quệ vì hóa trị.
- Nhiều người cho rằng, điều trị ung thư rất tốn tiền vì những loại thuốc đắt đỏ. Quan điểm của ông thế nào?
- Phòng ngừa vẫn là cách hiệu quả và tiết kiệm nhất: tránh thuốc lá, giảm rượu bia, tiêm phòng virus, tầm soát ung thư định kỳ. Khi phải can thiệp ngoại khoa, bệnh có thể tiến triển hoặc tái phát, đòi hỏi thuốc đặc trị đắt tiền. Hiện nay, một số biệt dược có thể thay thế bằng thuốc generic, giúp giảm chi phí.
Nhiều bệnh nhân Việt tìm đến các nước Singapore, Nhật Bản, Mỹ để chữa ung thư, tìm kiếm phương pháp tiên tiến, nhưng chi phí rất cao và thời gian dài. Điều trị tại bệnh viện trong nước theo tiêu chuẩn quốc tế sẽ thuận tiện hơn. Đây là lý do Bệnh viện AIH đã ký kết Thỏa thuận Hợp tác Y khoa với Bệnh viện Raffles Singapore, cùng thành lập Trung tâm Ung bướu AIH.
- Ông nhận thấy tiềm năng gì trong sự hợp tác này?
- Trung tâm Ung bướu AIH là dự án trọng điểm trong năm 2025 giữa Bệnh viện AIH và Bệnh viện Raffles Singapore, các bác sĩ và chuyên gia hàng đầu từ cả hai đơn vị sẽ phối hợp hoạt động. Mục tiêu là sàng lọc, chẩn đoán và điều trị ung thư theo tiêu chuẩn quốc tế, ứng dụng sử dụng công nghệ hiện đại như phẫu thuật robot và liệu pháp proton.
Tôi đảm nhiệm vai trò là bác sĩ cấp cao tại trung tâm, trực tiếp thăm khám và điều trị cho bệnh nhân; kết nối với các đồng nghiệp quốc tế nhằm ứng dụng những tiến bộ mới trong điều trị ung thư đến gần hơn với người Việt.
- Phương pháp điều trị ung bướu nói chung ngày nay có gì khác so với trước đây, thưa ông?
- Thay vì chỉ hóa trị, y học đã phát triển các liệu pháp tiên tiến như nhắm trúng đích và miễn dịch. Liệu pháp nhắm trúng đích tấn công gen ung thư, bảo vệ tế bào khỏe mạnh, dùng riêng hoặc kết hợp với phương pháp khác. Liệu pháp miễn dịch kích thích hệ miễn dịch tiêu diệt ung thư hiệu quả hơn. Tại Bệnh viện AIH, cả hai phương pháp này đều được triển khai để nâng cao hiệu quả. Chúng tôi cũng dùng thuốc hỗ trợ để giảm tác dụng phụ của hóa trị. Nhờ đó, nhiều bệnh nhân của tôi đã sống khỏe mạnh trên 5 năm sau điều trị.
- Bệnh nhân ung thư cần chú ý những yếu tố nào trong quá trình điều trị để đảm bảo an toàn và hiệu quả?
- Điều trị ung thư cần thời gian và sự kiên trì. Để đạt kết quả tốt, bệnh nhân nên chọn cơ sở y tế có đội ngũ bác sĩ chuyên khoa giàu kinh nghiệm, đảm bảo chẩn đoán chính xác và phác đồ điều trị phù hợp. Trang thiết bị hiện đại như CT, MRI, PET scan cũng rất quan trọng để xác định giai đoạn bệnh và theo dõi hiệu quả điều trị.
Ngoài ra, cần có đội ngũ cấp cứu và hỗ trợ liên chuyên khoa (dinh dưỡng, tâm lý, phục hồi chức năng) để đảm bảo chăm sóc toàn diện cho bệnh nhân. Đặc biệt, hỗ trợ tâm lý đóng vai trò quan trọng trong việc giúp bệnh nhân có thêm niềm tin và động lực chiến đấu với bệnh tật. Đồng thời, cũng không thể thiếu vai trò của gia đình trong việc động viên, chăm sóc người bệnh, nhất là ở các nước Á Đông như Nhật Bản và Việt Nam, nơi mối quan hệ gia đình được coi trọng.
- Cuối cùng, ông có lời khuyên nào dành cho những người đang điều trị ung thư?
- Hãy giữ vững niềm tin và đừng bao giờ từ bỏ. Ngày càng có nhiều loại thuốc và phương pháp điều trị mới. Bạn cần tin vào sự tiến bộ y học, vượt qua 1-2 năm, cơ hội điều trị sẽ đến. Đừng tự điều trị bằng những phương pháp chưa được khoa học kiểm chứng.
Kim Anh