"Lý do tôi mua Twitter là vì tương lai của nền văn minh, là cách tạo dựng một quảng trường kỹ thuật số chung, nơi nhiều tín ngưỡng có thể được tranh luận một cách lành mạnh mà không cần dùng đến bạo lực", Musk viết trên Twitter chỉ vài tiếng sau khi ông đến trụ sở mạng xã hội ngày 27/10 để tiếp quản. "Hiện có mối nguy lớn rằng mạng xã hội sẽ tạo phe phái cánh tả và cánh hữu, gây nhiều thù hận và chia rẽ xã hội của chúng ta".
Mục tiêu của Musk là biến nền tảng thành nơi tự do ngôn luận, như ông tweet ngày 28/10 rằng "con chim đã được tự do". Trước đây, ông từng tin Twitter có giá trị gấp 10 lần mức 44 tỷ USD, nhưng việc làm cách nào để đạt được con số đó vẫn còn là điều bỏ ngỏ.
Siêu ứng dụng X
"Mua Twitter là một động lực để tạo ra X, ứng dụng của mọi thứ", Musk tweet đầu tháng này.
Ý tưởng về một siêu ứng dụng, nơi tích hợp những tính năng nhỏ hơn cho nhiều mục đích khác nhau, bắt nguồn từ châu Á. WeChat được xem là ứng dụng tiên phong, cho phép người dùng không chỉ gửi tin nhắn hay gọi điện video mà còn có thể thanh toán, mua sắm trực tuyến, gọi taxi. Theo một số nguồn tin nói với Reuters, Musk đã chia sẻ với các nhà đầu tư về kế hoạch xây dựng một kênh trả phí để giảm sự phụ thuộc vào quảng cáo, cho phép người tạo nội dung để kiếm tiền, thanh toán bằng tiền thông thường hoặc tiền số.
Tuy vậy, tham vọng tạo siêu ứng dụng có thể gặp rào cản lớn. Thực tế, loại ứng dụng này chỉ phổ biến tại châu Á, rất hạn chế ở phương Tây và chưa có mặt tại Mỹ. "Không có siêu ứng dụng nào ở Mỹ vì rào cản pháp lý cao, cũng như người dùng ở đây có rất nhiều lựa chọn ứng dụng", Scott Galloway, đồng chủ trì kênh podcast công nghệ Pivot và là giáo sư marketing tại Đại học New York, nhận xét.
Google hay Apple hiện có hai cửa hàng với hàng triệu ứng dụng trên đó là Play Store và App Store. Theo Galloway, cả hai đã tự coi mình là siêu ứng dụng khi chứa gần như toàn bộ các phần mềm di động trên toàn cầu, nên sẽ không muốn tạo điều kiện cho các siêu ứng dụng khác phát triển. "Hãy coi việc Apple từ chối kế hoạch bán sách nói của Spotify gần đây trên App Store là ví dụ điển hình về các rào cản gia nhập", Galloway nói.
Việc thanh toán qua siêu ứng dụng cũng không phải vấn đề dễ dàng. Jason Goldman, cựu thành viên hội đồng quản trị Twitter, cho biết các khoản thanh toán thường yêu cầu xác minh danh tính. Điều này có thể làm phức tạp một dịch vụ cho phép ẩn danh phát triển, khiến Twitter trở thành "công cụ mạnh mẽ cho hoạt động chính trị trong môi trường thù địch" và "không phù hợp trong thời đại Internet di động phát triển".
Nguy cơ tràn lan nội dung xấu
Musk khẳng định sẽ biến Twitter thành nền tảng tự do ngôn luận. Để làm điều đó, một số nguồn tin nói tỷ phú Mỹ sẽ tìm cách hạ thấp mức độ trong "hàng rào" bảo mật. Nếu điều này xảy ra, khả năng cao một lượng lớn nội dung thù địch, có hại và bất hợp pháp sẽ xuất hiện tràn lan trên Twitter. Thực tế, nền tảng này phải vật lộn nhiều năm để xác định và xóa nội dung khiêu dâm, nhất là liên quan đến trẻ em. Việc Musk "hạ cấp" bảo mật khiến mọi thứ có thể rời vòng kiểm soát.
"Hãy tưởng tượng một thế giới mà tất cả nội dung xấu lan tràn, đó là địa ngục", một nhân viên Twitter nói.
Vấn đề quảng cáo
Năm 2019, Musk tweet: "Tôi ghét quảng cáo".
Nhưng vào 27/10, một ngày trước khi tiếp quản Twitter, tỷ phú Mỹ lại viết một thông điệp trấn an các nhà quảng cáo rằng nền tảng sẽ biến thành "một địa ngục miễn phí, nơi có thể nói bất cứ điều gì mà không gây hậu quả". Ông cũng mong Twitter trở thành nền tảng quảng cáo được tôn trọng nhất trên thế giới, giúp củng cố thương hiệu và phát triển doanh nghiệp.
Tuy nhiên, các nhà quảng cáo có lý do để hoài nghi những gì ông nói. Điều này được cho là càng trở thành thảm họa nếu ông khôi phục tài khoản của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. "Chào đón Trump trở lại có thể khiến đa số người sử dụng trên Twitter rời bỏ nền tảng. Kết quả là các thương hiệu tham gia với mục đích tiếp thị sản phẩm và thu hút marketing cũng biến mất theo. Twitter sẽ trở thành nơi của các tài khoản chính trị", Mark DiMassimo, người sáng lập công ty quảng cáo DiMassimo Goldstein, dự đoán.
Cũng theo DiMassimo, lượng tài khoản mang tính trung lập, không liên quan đến chính trị đang đóng góp 90% doanh thu cho Twitter, chủ yếu từ quảng cáo. Trừ khi Musk tìm được nguồn doanh thu mới cho mạng xã hội, các thay đổi có thể khiến mọi thứ lún sâu vào khủng hoảng.
Tuân theo luật pháp
Sau khi tiếp quản Twitter, Musk đăng thông điệp: "Con chim đã tự do". Ngay sau đó, Ủy viên thị trường nội bộ EU Thierry Breton đáp lại: "Ở châu Âu, con chim sẽ phải bay theo các quy tắc của châu Âu".
Hồi tháng 5, Musk cho biết ông đồng ý với quy tắc truyền thông kỹ thuật số mới của Liên minh châu Âu (EU). Quy định này buộc Big Tech phải tăng cường xử lý nội dung bất hợp pháp trên nền tảng hoặc có thể bị phạt 6% doanh thu. Đây được xem là cách tiếp cận nghiêm ngặt nhất từ trước đến nay liên quan đến nội dung trực tuyến. Nhiều cơ quan quản lý châu Á cũng đang siết chặt các nền tảng truyền thông xã hội, trong đó có việc ra lệnh xóa nội dung họ cho là bất hợp pháp.
Cũng theo Goldman, việc Musk đang thành công với Tesla tại Trung Quốc cũng là vấn đề khiến Twitter gặp rủi ro. "Hãy hình dung việc ông ấy sẽ tuân theo các yêu cầu của Trung Quốc trong việc chuyển thông tin người dùng đến chính phủ nước này. Điều đó thật đáng sợ", Goldman nói.
Bảo Lâm (theo Reuters)