Nhiều nhà báo Mỹ, trong đó có những phóng viên làm cho những tờ nổi tiếng như New York Times, Washington Post hay CNN, ngày 15/12 bị đình chỉ tài khoản Twitter mà không rõ lý do. Đến tối cùng ngày, tỷ phú Elon Musk, ông chủ mới của Twitter, cáo buộc các nhà báo chia sẻ thông tin cá nhân của ông.
"Họ đăng vị trí chính xác của tôi theo thời gian thực, cơ bản giống tọa độ ám sát, rõ ràng vi phạm trực tiếp các điều khoản của Twitter. Đình chỉ tài khoản 7 ngày vì tiết lộ thông tin cá nhân chưa được phép. Tạm xa Twitter cũng là điều tốt cho tâm hồn", Musk viết.
Trong số những nhà báo bị ảnh hưởng bởi quyết định của Twitter có một số người gần đây đưa tin hoặc bày tỏ quan điểm về việc mạng xã hội này đình chỉ tài khoản của sinh viên năm nhất Jack Sweeney, người chuyên theo dõi các chuyến bay của Musk. Twitter từ đó thay đổi quy tắc, cấm người dùng chia sẻ vị trí của người khác khi chưa được sự đồng ý của họ.
CNN ra tuyên bố cho rằng việc Twitter "đình chỉ tài khoản các phóng viên một cách tùy tiện và vô cớ, trong đó có nhà báo Donie O'Sullivan của CNN, là điều đáng lo ngại, nhưng không có gì ngạc nhiên".
Tổng biên tập Washington Post Sally Buzbee cũng bày tỏ quan ngại khi phóng viên của mình bị Twitter đình chỉ tài khoản, thêm rằng động thái này đã làm suy yếu cam kết của tỷ phú Musk về quyền tự do ngôn luận trên mạng xã hội này.
Tỷ phú Musk, từng tự mô tả bản thân là người theo chủ nghĩa "tự do ngôn luận", nhiều lần tuyên bố rằng mọi nội dung được pháp luật cho phép nên được xuất hiện trên Twitter.
Sau khi tiếp quản Twitter từ tháng 10, Musk đã tìm cách xây dựng lại nền tảng. Tỷ phú Mỹ đã cắt giảm khoảng một nửa nhân lực của Twitter, trong đó có nhiều nhân viên có nhiệm vụ rà soát thông tin sai lệch. Nhiều nhân viên Twitter cũng đã xin nghỉ việc sau khi Musk quản lý mạng xã hội này.
Ngọc Ánh (Theo CBS/NY Post)