"Nhóm của chúng tôi đang làm việc miệt mài để điều tra hoạt động này và sẽ thực hiện các hành động phù hợp với những quy tắc của Twitter", một phát ngôn viên của mạng xã hội này cho biết hôm 13/10.
Darren Linvill, một giáo sư tại Đại học Clemson chuyên về thông tin sai lệch trên mạng xã hội, cùng ngày công bố một số ví dụ về các tài khoản giả mạo trên Twitter. Một tài khoản như vậy có tên Ted Katya, hôm 17/9 đăng thông điệp "Tôi là người da màu và tôi bầu cho Trump". Dòng tweet này thu hút hơn 16.000 lượt thích và hơn 6.000 lượt chia sẻ.
Linvill nói thêm hầu hết tài khoản giả đều "dùng ảnh thật của người Mỹ" và một số tài khoản còn có tới hàng chục nghìn người theo dõi. Twitter cho biết họ xóa các tài khoản này vì chúng lừa dối người dùng về ý đồ và danh tính thực sự của mình, nên bị coi là "thao túng dư luận".
Sau khi hứng chỉ trích nặng nề vì bê bối lan truyền tin giả trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016, Facebook và Twitter năm nay dường như cho thấy họ đã "rút được bài học" và có những động thái quyết liệt với hành vi lan truyền thông tin sai lệch.
Các gã khổng lồ mạng xã hội hiện đạt được tiến bộ lớn trong việc xóa bỏ những chiến dịch thông tin sai lệch quy mô lớn, song vẫn phải đối mặt với những trường hợp nhỏ hơn như tung tin sai qua tài khoản giả mạo.
Các tài khoản này thường dùng những chủ đề liên quan tới sự kiện đang gây chú ý như Covid-19 hay biểu tình "Mạng người da màu quan trọng" để thu hút càng nhiều người theo dõi càng tốt.
Ngọc Ánh (Theo AFP)