Trên Bravia XR 2021, Sony giới thiệu công nghệ trí tuệ nhận thức Cognitive Processor XR mới. Nếu trí tuệ nhân tạo (AI) xử lý dữ liệu bằng logic máy học thì trí tuệ nhận thức của Sony tạo trải nghiệm thông qua mô phỏng cách hoạt động của bộ não con người.
Cụ thể, khi xem TV, con người sử dụng thị giác và thính giác. Tương ứng với điều này, Cognitive Processor XR xử lý hình ảnh bằng XR Picture và âm thanh với XR Sound.
XR Picture hội tụ những công nghệ cải thiện chất lượng hình ảnh tiên tiến nhất của Sony, chia ra thành 4 nhóm: XR Color (màu sắc), XR Clarity (độ phân giải), XR Contrast (tương phản) và XR Motion (chuyển động). Tín hiệu sẽ được phân tách thành hàng loạt dữ liệu vùng và chi tiết, phân tích chéo rồi xử lý. Bộ xử lý phân tích để tìm ra những điểm mà người xem sẽ chú ý trên khung hình, từ đó tối ưu chất lượng hình ảnh. Điều này cũng giúp thông điệp của nhà sản xuất nội dung trở nên rõ ràng hơn, truyền tải trọn vẹn hơn.
Song song đó, XR Sound có hai công nghệ chủ đạo là XR Sound Position và XR Surround. XR Sound Postion phân tích vị trí âm thanh theo tín hiệu và phát đồng bộ với hình ảnh, tạo nên cảm giác âm - hình hợp nhất như sự việc diễn ra như ngoài đời thật. Sony còn sử dụng công nghệ XR Surround để nâng cấp tín hiệu âm thanh lên âm thanh vòm 3D, tận dụng XR Sound Position.
Cognitive Processor XR được Sony ví von là "bộ não" Bravia XR, phát triển với tên mã Sharaku. Bộ xử lý lấy theo tên hoạ sĩ nổi tiếng của trường phái Ukiyo-e (Phù Thế Hội) vào thế kỷ 18 tại Nhật Bản. Theo đó, các bức tranh có những điểm nhấn nhá phù hợp trên chủ thế, khơi dậy sự thích thú ở người xem. Hãng điện tử Nhật Bản cũng đặt cảm xúc người dùng làm chủ đạo khi ứng dụng XR.
Theo đại diện Sony, công nghệ này khắc phục được một số hạn chế của AI là chỉ dừng ở việc phân tích tín hiệu và dữ liệu dựa trên logic. Tức AI tìm kiếm và phân tích các yếu tố hình ảnh như màu sắc, sự tương phản hay các chi tiết một cách riêng lẻ. Từ đó cho ra những khung hình "chuẩn" về mặt logic. Nhưng như thế là chưa đủ bởi cảm xúc là yếu tố quan trọng trong lĩnh vực giải trí.
Một bộ phim hay cần thành công trong việc chinh phục tâm lý khán giả. Vì vậy, TV Bravia được ứng dụng trí tuệ nhận thức để phân tích chéo hàng trăm nghìn yếu tố về hình ảnh và âm thanh. Từ đó đánh giá màu sắc thế nào là đẹp, chi tiết sắc nét là thế nào, âm thanh mức nào sẽ sống động... để đưa tới người xem.
"Thông qua việc đặt cảm xúc của con người làm trọng tâm, người dùng có thể tận hưởng trải nghiệm giải trí tại gia theo một cách hoàn toàn mới", đại diện Sony nói.
Minh Tú (Ảnh: Sony)