Ngoài tấm nền, G1 (thuộc dòng Gallery của LG) còn gây ấn tượng với thiết kế mỏng chỉ 2 cm. Điểm đặc biệt là phần linh kiện được dàn trải đều, độ dày đồng nhất, thay vì làm phần tấm nền siêu mỏng nhưng lại có một hộp chứa linh kiện nhô lên phía sau như một số dòng OLED khác của Sony.
Samsung cũng làm TV mỏng tương tự ở các dòng Neo QLED, The Frame mới nhưng thực tế là hãng này đưa hết linh kiện vào hộp One Connect và kết nối với tấm nền bằng cáp siêu mỏng. LG ngược lại. Hãng giấu toàn bộ linh kiện phía sau, nhưng vẫn đảm bảo đủ độ mỏng và chỉ cần một dây nguồn duy nhất kết nối ổ điện.
Điều khiển đi kèm được thiết kế lại với dãy phím số đầy đủ và các nút tắt dành riêng cho các dịch vụ video, phim. Khác biệt lớn nhất là nút xoay chính giữa được làm nhỏ hơn và đặt sâu. Theo LG, thiết kế này giúp nút được dùng nhiều nhất bền hơn, hạn chế bị gãy lẫy như thế hệ trước. Sản phẩm vẫn hỗ trợ nhận dạng cử chỉ bằng tay hữu dụng và là điểm tạo khác biệt so với các dòng SmartTV khác của Samsung hay Sony.
Ngoài tấm nền OLED evo, LG G1 cũng nâng cấp chip xử lý trí tuệ nhân tạo AI α9 Gen 4 và webOS 6.0. Thay vì thanh menu đơn giản ở dưới, hệ điều hành phiên bản mới đưa toàn bộ nội dung ra màn hình chính giống phong cách của Android TV. Người dùng có thể xem được nhiều thông tin hơn, thay đổi cài đặt ngay cả khi đang xem nội dung. Tuy nhiên, do lượng nội dung hiển thị quá nhiều, webOS 6.0 dễ tạo cảm giác rối mắt trong những ngày đầu sử dụng.
Các phần mềm cũng được tích hợp sâu vào hệ điều hành, như phần mềm xem TV, video thể hiện các nội dung mới nhất ngay ngoài màn hình chủ. LG cũng chú trọng hệ sinh thái nhà thông minh ThinQ trên webOS 6.0 với giao diện điều khiển riêng được thiết kế đơn giản và trực quan.