Từ đầu tháng 8, một hệ thống thiết bị điện tử hàng đầu ở Việt Nam bắt đầu loại TV Box khỏi danh mục sản phẩm đang kinh doanh. Tại một số chuỗi cửa hàng khác, người dùng nếu muốn mua TV Box chỉ có thể lựa chọn hai model đang bán là Xiaomi Mi Box và Apple TV. Trong khi vài năm trước, có không dưới 5 thương hiệu và hàng chục model để lựa chọn ở nhiều phân khúc giá.
"Thời hoàng kim của TV Box tại Việt nam là năm 2017-2018. Người mua giờ vẫn có nhưng không đáng kể, doanh số chưa bằng một phần mười. Người muốn rẻ sẽ chọn thiết bị của Xiaomi, trong khi người yêu thích hệ sinh thái của Apple mua Apple TV cho đủ bộ", ông Tiến Vương, quản lý một cửa hàng thiết bị số trên phố Hàng Bài (Hà Nội), cho biết.
Ở giai đoạn bùng nổ, TV Box tại Việt Nam đa số chạy hệ điều hành Android và của các hãng từ Trung Quốc, hoặc thương hiệu Việt nhưng gia công tại Trung Quốc. Các dịch vụ đi kèm cũng nở rộ như cài đặt kho phim, sao chép phim chất lượng cao bên cạnh các ứng dụng xem trực tuyến có sẵn. Tuy nhiên, đến 2018-2020, nhu cầu thị trường giảm dần và sự xuất hiện của Mi Box từ Xiaomi với giá rẻ, cấu hình mạnh khiến các thương hiệu Trung Quốc khác gần như biến mất hoàn toàn.
Tại Trung Quốc - thị trường tiêu thụ TV Box lớn nhất thế giới - cũng có doanh số giảm đều các năm qua, theo Gizchina. Trong nửa đầu 2023, doanh số dòng sản phẩm này là 929.000 chiếc, giảm 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Quốc gia đông dân nhất thế giới từng tiêu thụ 14 triệu TV Box năm 2016. Xiaomi cũng đánh mất ngôi vị dẫn đầu vào tay các công ty sử dụng TV Box như hộp giải mã tín hiệu truyền hình hoặc các nội dung số độc quyền như Tencent, Tmall.
TV Box vốn được coi là một trong những phát minh công nghệ hữu ích nhất. Sản phẩm nổi bật trong những năm đầu khi TV thông minh xuất hiện. Chúng có thể biến tất cả các mẫu TV, dù mới hay cũ, trở nên thông minh và tiện dụng hơn. Cùng thời gian đó, các mẫu smart TV từ nhiều nhà sản xuất đều có hệ điều hành riêng nhưng chỉ model cao cấp mới có phần cứng đủ để thỏa mãn người dùng. Thay vì bỏ hàng chục triệu đồng cho việc đó, nhiều người chọn chi một đến hai triệu đồng để sắm TV Box.
Tuy nhiên, TV Box cũng là "nạn nhân" của chính sự tiến bộ công nghệ. Tất cả mẫu TV bán ra thị trường hiện nay đều đã là TV thông minh. Ngay cả những model rẻ nhất cũng "dư sức" chạy các phần mềm phổ biến như YouTube, ứng dụng xem truyền hình OTT hay thậm chí Netflix. Cả ba hệ điều hành TV phổ biến là Google TV, webOS (LG) hay TizenOS (Samsung) đều đã có kho phần mềm phong phú, đủ cho các nhu cầu giải trí phổ thông.
Theo chuyên gia công nghệ Nguyễn Minh Tiến, một lý do khác là người dùng ngày càng dành ít thời gian hơn cho TV. Điện thoại bây giờ được coi là thiết bị giải trí chiếm nhiều thời gian nhất, tiện dụng nhất.
"Mọi người có thể vẫn mua và dùng TV như một thói quen nhưng nhu cầu với dòng sản phẩm này không còn cao như trước", ông nói.