Bethy Kahindi kể rằng lần cuối cô nói chuyện với chị gái vào khoảng gần một năm trước, khi chị nói rằng "sẽ đi gặp Chúa và chúng ta sẽ gặp lại nhau trên thiên đường".
"Tôi không còn hy vọng có thể tìm thấy chị gái và 6 đứa cháu vẫn còn sống", Kahindi, 37 tuổi, kể lại với đôi mắt đỏ hoe.
Giống Kahindi, nhiều gia đình Kenya khác cũng đang mòn mỏi đợi tin tức về người thân ở thị trấn Malindi.
Cách đó khoảng 80 km là khu rừng Shakahola, nơi cảnh sát đã phát hiện khoảng 100 thi thể liên quan đến giáo phái Tin lành Quốc tế do Paul Mackenzie Nthenge dẫn đầu. Hơn một nửa trong số những thi thể đó là trẻ nhỏ. Giới chức địa phương bắt đầu chiến dịch điều tra từ hôm 14/4, sau khi khám xét cơ ngơi của Mackenzie và phát hiện 15 người trong trạng thái suy kiệt. Họ phát hiện một loạt ngôi mộ tạm kể từ ngày 21/4.
Giáo phái Tin lành Quốc tế được Mackenzie, người từng là tài xế taxi, thành lập ở Kenya vào năm 2003. Mackenzie truyền cho các tín đồ ý nghĩ bỏ việc, bỏ học, không dùng "đồ ăn trần tục" và không đến gặp bác sĩ khi bị bệnh, cho rằng đây là những cách giúp họ tiến gần tới Chúa.
Mackenzie đã bị giam từ ngày 15/4. George Kariuki, luật sư của Mackenzie, cho biết ông không được thân chủ ủy quyền bình luận về cáo buộc kích động tín đồ nhịn đói đến chết. "Tôi không thể tiết lộ những gì thân chủ nói với tôi mà không có sự cho phép của ông ấy", Kariuki nói thêm.
Hội Chữ thập đỏ Kenya đã nhận được cuộc gọi từ hàng trăm gia đình đang tuyệt vọng chờ tin tức về người thân mất tích, những người được cho là liên quan tới giáo phái Tin lành Quốc tế.
![Nhân viên vận chuyển túi đựng thi thể của các nạn nhân được tìm thấy trong khu rừng Shakahola, Kenya, hôm 25/4. Ảnh: AFP](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2023/04/27/33DU8LT-highres-9533-1682576842.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=xkS4eBoX05QBUithZpopDQ)
Nhân viên vận chuyển túi đựng thi thể của các nạn nhân được tìm thấy trong khu rừng Shakahola, Kenya, hôm 25/4. Ảnh: AFP
Kahindi miệt mài chuyển cho mọi người những bức ảnh của chị gái và 6 người cháu, trong độ tuổi 5-22, với hy vọng nhận được thông tin. Trong một bức ảnh chụp năm 2020, chị của Kahindi đang mỉm cười thưởng thức bữa ăn. Tuy nhiên, trong bức ảnh được chụp vào năm ngoái, người phụ nữ này đeo mạng che mặt dài màu trắng và lộ rõ vẻ hốc hác.
Habel Farasi, cũng đang đi tìm em gái mất tích, đã tới nhà xác Malindi với hy vọng nhận được tin tức về em. Farasi cho biết em gái gia nhập giáo phái từ năm 2013 và nhanh chóng làm theo những lời dạy cực đoan của Mackenzie, bắt các con nghỉ học.
Năm 2020, em gái của Farasi dẫn theo các con tới khu rừng Shakahola và kể từ đó mất liên lạc. "Tôi không nghĩ em mình còn sống", người đàn ông 56 tuổi nghẹn ngào nói khi đang nắm chặt những bức ảnh của gia đình em gái.
Khi nhắc tới thủ lĩnh giáo phái Mackenzie, người dự kiến hầu tòa vào tháng tới, sự đau buồn của Farasi chuyển thành phẫn nộ. "Đó là kẻ giết người không hơn không kém. Loại tôn giáo nào lại đi bắt người ta nhịn ăn tới chết?", Farasi nói.
Kahindi cũng nói cô đang giằng xé giữa nỗi đau và sự tức giận. Cô gọi Mackenzie là "quái vật", đã "tẩy não" em gái của cô.
![Thân nhân và bạn bè chờ đợi tin tức về người thân nghi mất tích trong khu rừng Shakahola ngày 26/4. Ảnh: AFP](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2023/04/27/33DW324-highres-1618-1682576842.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=1qb78fyWjLehacQ7e2ZUQw)
Thân nhân và bạn bè chờ đợi tin tức về người thân nghi mất tích trong khu rừng Shakahola ngày 26/4. Ảnh: AFP
Issa Ali, 16 tuổi, được mẹ đưa tới khu rừng của giáo phái vào năm 2020, nói rằng cậu đã bị Mackenzie đánh đập khi cố gắng rời đi. "Ông ấy nói đó là nơi Chúa sẽ xuất hiện trước khi Trái Đất diệt vong", Ali kể lại.
Ali sau đó được bố cứu thoát khỏi giáo phái, nhưng cậu vẫn chưa gặp lại mẹ của mình từ tháng 2.
"Mẹ đến gặp chúng tôi và nói tạm biệt, như thể đó là lần cuối chúng tôi gặp nhau. Lúc ấy mẹ đã rất tiều tụy. Chúng tôi cố ngăn mẹ trở lại nơi đó, nhưng mẹ vẫn đi. Tôi nghĩ có lẽ giờ bà đã qua đời", Ali nói.
Ngọc Ánh (Theo AFP)